Chuyện về một gia đình ghép

Thảo luận trong 'TẤM LÒNG VÀNG VIETCARAVAN' bắt đầu bởi Phatngonvien, 10/3/17.

  1. Phatngonvien

    Phatngonvien Moderator Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    28/10/16
    Bài viết:
    248
    Đã được thích:
    9
    Điểm thành tích:
    18
    Giới tính:
    Nam

    Lượt xem: 203

    Chuyện về một “gia đình ghép”
    Gia đình ấy cũng có mẹ, có con nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người đàn ông nào. Họ là một “gia đình ghép”, không ràng buộc bởi tình máu mủ. Tất cả về đây, sống cùng một mái nhà và tạo nên một “bức tranh đa sắc” mà khi có dịp tiếp cận, nhiều người đã không cầm được nước mắt…
    Hồi ức của “nữ đại bàng”
    Chúng tôi đến căn nhà ấy vào một buổi trưa hè oi bức, những đứa trẻ đang nằm ngủ dưới nền gạch vội đứng bật dậy, mắt tròn xoe vì có khách lạ. Người phụ nữ có dáng cao gầy xuất hiện. Nước da của chị xanh xanh nhưng giọng nói lúc nào cũng sang sảng. Chị là Trương Thị Hồng Tâm - người một thời từng là “nỗi ám ảnh” của rất nhiều trại giam, các trung tâm cải tạo ở Sài Gòn và các vùng lân cận. Sau vài câu giới thiệu làm quen, chị bắt đầu cởi mở tâm sự. Hồi ức của hơn 30 năm về trước cứ ùa về và đôi lúc phải gián đoạn bởi những giọt nước mắt.

    Sinh ra trong một gia đình thế lực ở Sài Gòn trước năm 1975, chị đã sớm chứng kiến cảnh đỗ vỡ: Cha đi lấy vợ mới, mẹ cũng lấy chồng khác, bỏ lại Tâm và mấy đứa em nheo nhóc, không hạt gạo nuôi thân. “Ngày đó, cả 4 chị em chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc vì đói”, chị Tâm nhớ lại.
    Tháng ngày trôi qua mà tin tức về ba, má cứ bặt vô âm tín. Nhìn những đứa em tội nghiệp nheo nhóc, đói khổ, cô bé Tâm ngoan hiền dần trở thành một cô gái lì lợm, bắt đầu đi ăn trộm để nuôi em. Giọng buồn buồn, chị kể: “Có lần tôi bị bắt quả tang đang mở nắp nồi cơm nguội của người ta để lấy cơm đem về ăn. Một trận đòn nhừ tử, những lời chửi rủa phủ lên thân thể còm nhom của tôi. Họ chửi, đồ cái thứ trôi sông lạc chợ, cha mẹ không biết dạy con, mới bây lớn đã đi ăn cắp”.
    Khi bắt đầu ở tuổi cập kê, không nơi nương tựa, buồn chán, Tâm lao vào con đường ăn chơi, nghiện ngập ma túy rồi đánh mất bản thân mình từ lúc nào không biết. Số lần ra khám vào trại chính xác bao nhiêu chị cũng không nhớ nổi. Chỉ biết rằng sáng bị bắt, chiều lại có mặt ở các điểm nóng ăn chơi khắp Sài Gòn. Lần nào cũng vậy, trốn được chỗ này lại bị bắt vào chỗ khác, có nơi chị “ghé thăm” 4 - 5 lần, riết rồi trở thành quen mặt. Đám giang hồ đã đặt cho Tâm biệt danh “nữ đại bàng”.
    Thời đó, Tâm gan lì, bất cần đời. Nhưng tất cả đã thay đổi, bao nhiêu tủi hờn, buồn giận cũng dần nguôi ngoai theo năm tháng. Giờ đây, chị đã là một con người khác với thiên chức làm mẹ của những đứa con bất hạnh. Chính chị đã mang lại cho những đứa trẻ không nơi nương tựa một cuộc đời mới. “Nữ đại bàng” khét tiếng giang hồ năm nào đã tạo nên một gia đình chan chứa tình thương...
    Bọn trẻ trong gia đình đặc biệt này luôn yêu thương, giúp đỡ
    lẫn nhau
    Về mái nhà chung
    Mọi chuyện thay đổi vào năm 1992. Sau nhiều lần được các tuyên truyền viên khuyên bảo, Tâm quyết bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Không chỉ chiến thắng bản thân, chị còn xông vào “mặt trận” phòng chống ma túy rất tích cực. Cũng từ đây, đời chị rẽ sang hướng khác.
    Những người bạn cũ thời “phiêu bạt giang hồ”, khi chị gặp lại thì họ đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh thế kỷ AIDS. Con của họ còn bế ẵm, không ai chăm sóc. Để cho bạn yên tâm nhắm mắt, chị hứa sẽ nuôi và chăm sóc bọn trẻ chu đáo.
    Từng lang thang, sống ở những nơi đen tối của xã hội và chịu nhiều tủi nhục nên khi nhìn những đứa trẻ, chị tự hỏi: “Nếu mình không nhận nuôi thì số phận mấy đứa trẻ này ra sao? Ai chăm sóc chúng? Rồi mai mốt chúng lại là những đứa trẻ bụi đời, hút chích?”. Nghĩ vậy nên chị không cầm lòng, đón bọn trẻ về nuôi. Số trẻ ngày một tăng lên, tính đến nay đã là hàng chục cháu.
    Những đứa con của chị Tâm lớn lên mỗi ngày, được chăm lo ăn học như bao đứa trẻ khác. “Làm gì thì làm, cực bao nhiêu tôi cũng lo cho tụi nhỏ ăn học đàng hoàng. Chỉ có học mới mong sau này chúng không đi vào con đường mà tôi và cha mẹ chúng đã đi”, chị Tâm cho biết.
    Mong muốn là vậy nhưng chặng đường nuôi con của chị Tâm sao quá gian truân. Mấy đồng lương ít ỏi từ công tác tuyên truyền, vận động của chị chẳng thấm vào đâu so với chi phí thuê nhà, học phí, ăn uống, thuốc men cho các con. Bởi vậy, chị đã đi gõ cửa khắp nơi. Hễ ở đâu giúp được là chị cố thuyết phục, chỉ mong các con có cuộc sống tốt nhất có thể. “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tựu trường là tôi chạy hết nơi này sang nơi khác. Mỗi nơi quyên góp một chút, chỉ mong sao các con không mặc cảm với chúng bạn ở trường”, chị tâm sự.

    Chị Hồng Tâm bên các con
    Cực nhọc, khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng tình mẹ con thì vẫn luôn đong đầy dưới mái nhà chung này. Bọn trẻ một tiếng “má Tâm”, hai tiếng cũng “má Tâm”. Mặc dù con không phải do mình sinh ra nhưng nhìn từng cử chỉ, cách chăm lo... cũng đủ thấy tình thương của chị dành cho các con lớn đến nhường nào. Các con chị đứa nào cũng ngoan, học giỏi, biết yêu thương nhau và luôn hồn nhiên, vui cười.
    “Điều tôi luôn dạy các con là phải biết tự lập và chăm sóc nhau. Bởi nếu một ngày kia tôi nằm xuống, những đứa con tôi vẫn có thể tiếp tục sống mà không sợ điều gì”, chị Tâm bộc bạch. Trong khi xã hội vẫn còn những câu chuyện đau lòng về mẹ bán con, cha mẹ hành hạ hoặc vứt bỏ chính con ruột của mình... thì ở đây, những “mảnh ghép” không lành lặn đã tạo nên một “bức tranh gia đình” sinh động và đậm tình người.
    Với việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy, giúp trẻ lang thang trở về với gia đình... chị Tâm đã nhận nhiều Bằng khen của các tổ chức xã hội. Thế nhưng suốt mấy chục năm qua, chị vẫn không có lấy một giấy tờ tùy thân chỉ với một lý do là “không có nhà”. Thông qua bài viết này, TGPN mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện, giúp đỡ cho các con của chị Tâm được học tập và sớm cấp cho chị giấy tờ tùy thân. Mọi sự chia sẻ, giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: số 146 đường số 8, phường 15, quận Gò Vấp, TP. HCM.
    Phước Long - Ảnh: Song Nghi
     

Chia sẻ trang này

Bình Luận Bằng Facebook

p.viewcount { text-align: right; font-size: 12px; margin-top: -13px; margin-right: 25px; }

Thành viên đang xem bài viết (Users: 0, Guests: 0)