Những trải nghiệm không thể bỏ lỡ – Miền Tây vào hè
-
Ghé thăm vườn trái cây
Những khu vườn quanh năm sum xuê trái là đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tùy theo mùa và thời điểm mà các vườn này có các loại trái cây khác nhau. Hè thường là mùa trái cây chính ở miền Tây vì thế có nhiều du khách tìm về nơi đây. Đến miền Tây vào mùa này bạn có thể ghé đến những địa điểm vườn trái cây nổi tiếng để thỏa thích thưởng thức trái cây như: Vườn trái cây Mỹ Khánh (Cần Thơ), vườn trái cây Cù lao An Bình (Vĩnh Long), vườn trái cây Cái Mơn (Bến Tre), vườn trái cây Cái Bè (Tiền Giang),…
-
Chìm đắm trong màu xanh bất tận
Chỉ cần là về miền Tây, vừa ra khỏi thành phố Hồ Chí Minh là những mảng xanh bất tận của những cánh đồng lúa Long An dần xuất hiện. Những con đường, những ngôi nhà, ao, hồ, sông ngòi, kênh rạch ở miền Tây lúc nào cũng phủ một màu xanh lá mát rượi, tươi rói.
Màu xanh của hàng cây thốt nốt, ruộng lúa An Giang, màu xanh của bèo trong rừng tràm Trà Sư, màu xanh rừng tràm trong vườn quốc gia Tràm Chim, màu xanh của những vườn cây ăn trái Tiền Giang, màu xanh của rừng dừa bạt ngàn ở Bến Tre… rất nhiều màu xanh ấy đã hòa quyện và cùng nhau vẽ nên một bức tranh đồng quê về miền Tây mà bạn không thể tìm thấy ở bất kì nơi nào khác.
-
Ngồi thuyền khám phá sông nước
Với địa hình chủ yếu là kênh rạch chằng chịt, được sông nước bao quanh, miền Tây là nơi lý tưởng để du khách ngồi thuyền thăm thú đời sống người dân địa phương. Những cơn gió mát lộng cùng điệu hò trên mũi thuyền sẽ mang lại cho bạn những ấn tượng khó quên.
Nếu may mắn đi ngang những cây ăn trái ven bờ, bạn sẽ được dịp tự tay hái ăn mà không lo người dân quở trách. Vì đối với cuộc sống quanh năm ruộng vườn của người dân nơi đây, những loại trái cây ấy là thứ quà đãi khách thường thấy.
-
Lội bùn tát mương, bắt cá
Sẽ không gì thú vị khi về miền Tây mà không xắn quần lội mương, tát nước bắt cá. Đây được xem là một nét văn hóa sông nước đặc trưng mà hiếm nơi nào có được. Để trở thành một người nông dân thực thụ và thể hiện mình là một tay bắt cá chuyên nghiệp, khi về miền Tây, bạn có thể tát nước trong một khúc sông hoặc trong một cái ao nhỏ để kiếm nguồn thực phẩm cho một bữa ăn no nê và đủ chất. Với cách này, bạn không chỉ được tận tay bắt những con cá đang cố ẩn mình dưới nước, mà còn trải qua nhiều cảm xúc thú vị khó tả khi bắt được những con cá đang vùi mình dưới lớp bùn lầy trong ao.
-
Đi chợ nổi
Ở Việt Nam, chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân. Chợ họp cả ngày, nhưng thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây. Nét riêng của các thuyền là trên mỗi thuyền có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm mà mình có bán (người địa phương gọi là cây bẹo). Cho nên khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào đó là có thể biết trên thuyền, ghe đó có thứ mình cần hay không.
Một số chợ nổi nổi tiếng của du lịch miền Tây là: chợ nổi Cái Bè (nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ). -
Thăm các sân chim
Nói đến sân chim miền Tây thì phải nhắc đến vườn quốc gia Tràm Chim đầu tiên. Hàng năm mỗi khi con nước tràn về, Tràm Chim lại khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu cùng vũ điệu rực rỡ của thiên nhiên. Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 30 sân chim lớn nhỏ nằm rải rác trên các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang… (riêng hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã có hơn 10 vườn chim). Có những vườn chim hình thành từ rất lâu, rộng hàng trăm ha, như vườn chim ở rừng U Minh Thượng, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), vườn chim Ngọc Hiển (Cà Mau).
-
Thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển
Dân Miền Tây ai cũng biết đến loài cá linh còn các du khách đã thưởng thức loài cá này thì sẽ ấn tượng mãi bởi thịt của chúng có vị rất đặc trưng. Cá linh dù chế biến theo cách nào cũng ngon và hấp dẫn như: cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, kho khóm, canh chua cá linh… Tuy chỉ là một món ăn hương đồng gió nội, nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng. Tuy ở vùng nào cũng có nhưng Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ là những nơi có tiếng về món lẩu cá linh bông điên điển.
Wikitravel