Nhiều ôtô tại Việt Nam hiện có giá ngang ngửa Thái Lan
so với ở Thái Lan.
Tích cực nhất trong chiến dịch giảm giá xe từ đầu năm phải kể đến Thaco, với hai thương hiệu Kia, Mazda. Giảm sâu, giảm liên tục là những gì doanh nghiệp này làm, với mong muốn chiếm lĩnh thị trường. Vì thế, mẫu crossover đắt khách Mazda CX-5 lập hết đáy này đến đáy khác về giá.
Hiện tại, giá bán của Mazda CX-5 là từ 799 triệu đồng (khoảng 35.156 USD) cho phiên bản 2.0 2WD, nhưng ở đại lý dòng xe này có giá bán thực tế chỉ khoảng 790 triệu đồng (34.000 USD). Trong khi đó, tại Thái Lan, Mazda CX-5 bản tương tự có giá khoảng 36.000 USD. Mức chênh lệch khoảng 2.000 USD là điều hiếm có trong tương quan giá xe tại Việt Nam và Thái Lan nhiều năm qua. Hiện tại, giá của những chiếc CX-5 thế hệ mới tại Indonesia và Malaysia lần lượt khoảng 40.000 USD và 32.000 USD, tuy nhiên phiên bản này chưa được bán tại Việt Nam.
Một mẫu crossover khác gây nên cơn sốt hồi đầu tháng 9 này là Honda CR-V cũng có thời điểm giá tốt hơn so với phiên bản đang bán tại Thái Lan, Indonesia. Mức giá gây sốc hồi đầu tháng 9 của CR-V 2.0 là khoảng 730-750 triệu đồng (32.000-33.000 USD), tương đương với mẫu CR-V thế hệ mới đang bán tại Indonesia và Malaysia. Honda CR-V 2.4 AT giá niêm yết 988 triệu đồng (43.000 USD), chưa kể đại lý giảm còn khoảng 780 triệu (34.000 USD), rẻ hơn khá nhiều so với bản CR-V 2.4 tại Thái Lan giá 45.000 USD. Tuy nhiên, mẫu xe đang bán tại Thái Lan là phiên bản mới, 7 chỗ ngồi.
Ngoài hai dòng xe có giá bán thấp hơn kể trên, nhiều mẫu xe khác tại Việt Nam hiện cũng không chênh lệch quá nhiều về giá so với các nước ASEAN. Toyota Vios hiện áp dụng giảm giá tại đại lý khoảng 70 triệu đồng, phiên bản 1.5G giá khoảng 552 triệu (24.000 USD), ở Thái Lan giá khoảng 22.000 USD, trong khi Indonesia là hơn 23.000 USD.
Mazda3 sedan tại Việt Nam hiện có giá 650 triệu (28.000 USD) cho bản 1.5 và 760 triệu (33.000 USD) cho bản 2.0. Trong khi đó, ở Thái Lan giá khoảng từ 25.000 USD đến 29.000 USD đối với phiên bản Mazda3 2.0.
Trên thực tế, nhiều nước thuộc khối ASEAN đều nằm trong top những quốc gia có giá xe ôtô đắt nhất thế giới. Việt Nam xếp sau Singapore về giá ôtô, trong khi xếp trên Thái Lan và Indonesia. Một trong những nguyên nhân khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực là do tỷ lệ nội địa hóa chưa cao.
Toyota Việt Nam là hãng xe nội địa hóa nhiều nhất cũng chỉ đạt khoảng 37%, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện hiện áp mức từ 15 đến 18%. So với Thái Lan, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn tụt hậu khá xa, nên việc nhập khẩu linh kiện là không tránh khỏi với các đơn vị lắp ráp.
Trong khi đó, những chiếc xe nhập khẩu từ ASEAN hiện cũng phải chịu thuế nhập khẩu 30%, khiến một chiếc xe nhập nguyên chiếc về nước sẽ có giá cao hơn tại Indonesia hay Thái Lan, chưa kể các chi phí kinh doanh khác của doanh nghiệp.
Năm 2018, thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN sẽ về mức 0%, nên nhiều người hy vọng giá xe sẽ giảm đáng kể, tương đương với các nước trong khu vực. Đối với xe lắp ráp trong nước, việc thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0% sẽ tạo ra sức ép lớn về cạnh tranh, do đó, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án để giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô trong 5 năm 2018-2022.
Với những diễn biến thuế mới trong năm 2018, hy vọng về giá ôtô ngang bằng với các nước trong khu vực là điều có thể xảy ra với những người muốn sở hữu ôtô tại Việt Nam.
Minh Tuấn