Thăm Kanazawa để yêu và nhớ
Ảnh: Shutterstock
Nhưng bạn biết đấy, trong cuộc đời này, gặp gỡ thì nhiều, chứ yêu có được bao nhiêu! Bởi vậy, tôi tin chắc không du khách VN nào chọn Kanazawa trong lần đầu tiên tới xứ Phù tang. Nhưng một nơi vừa phải chia tay tôi đã muốn quay trở lại, ấy chính là Kanazawa.
1 Đầu tiên phải nói ngay, đến Kanazawa không thuận tiện lắm. Trên bản đồ, Kazanawa nằm ở cực tây miền trung nước Nhật, giáp bờ biển Triều Tiên và đó cũng là nơi hứng luồng gió lạnh từ cực bắc tràn về khi mùa đông tới.
Không có sân bay (sân bay gần nhất nằm ở thành phố Komasu) cách Tokyo hơn 8 giờ xe chạy và cách Osaka và Nagoya từ 4 – 6 giờ xe chạy (Tokyo, Nagoya, Osaka là những nơi có chuyến bay thẳng từ VN). Có lẽ bởi vậy Kanazawa khá xa xôi trong bản đồ du lịch Nhật Bản của du khách nước ngoài (kể cả người Việt). Lần đầu tiên tôi đến nơi bắt đầu của “dãy Alps Nhật Bản”, nơi khởi phát của lịch sử samurai và các geisha, một trong số ít những thành phố của xứ Phù tang may mắn được bảo toàn nguyên vẹn trong Thế chiến thứ hai, cũng xa xôi và mơ hồ như thế.
Cuối năm 2013, trên đường từ ngôi làng cổ Shirakawa-go (di sản văn hóa thế giới của Nhật) về sân bay Komasu để đáp chuyến bay tới Fukuoka, chúng tôi có 4 giờ “transit” ở Kanazawa. Và 4 giờ mưa. Vội vã chạy trong mưa ở Kanazawa Castle và bỏ lỡ dịp dạo Kenroku-en Garden, một trong 3 khu vườn nổi tiếng nhất của Nhật Bản.
Nhưng còn chút nắng hửng cuối ngày ở quận Samurai, đủ để sững sờ và ra Komasu Airport trong tiếc nuối. Phải nói thêm rằng mưa cũng là một “đặc sản” của Kanazawa, một trong những thành phố ẩm ướt nhất của Nhật Bản, vì lẽ đó mà nó còn được gọi là “Seatle phương Đông”. Bởi vậy trong hành trang tới Kanazawa, người Nhật luôn mang theo cây dù nhỏ.
Hòa nhạc dưới cổng ga Kanazawa
2 Nhật khiến thế giới nể phục nhiều thứ, trong đó có giao thông và hệ thống các nhà ga được tổ chức cực kỳ khoa học. Ở mỗi thành phố, nhà ga trung tâm luôn được coi là một biểu tượng của kiến trúc, khoa học và văn minh đô thị. Nhà ga trung tâm Tokyo khiến bạn như lạc vào ma trận. Nhà ga trung tâm Kyoto là một khối thép hiện đại đối lập với một cố đô cổ kính.
Còn tôi, sau khi được chiếc xe buýt của Hãng Meitetsu thả ở Kanazawa Station, thì chỉ muốn ngồi chơi mãi ở nhà ga này! Bọc bên ngoài tòa nhà thép – kính hiện đại là cổng chào nhà ga – một tác phẩm điêu khắc tuyệt vời bằng gỗ. Chiều thứ bảy hằng tuần, dưới cổng chào gỗ này, thường có buổi biểu diễn của các dàn giao hưởng và dàn hợp xướng học sinh miễn phí dành cho người dân và du khách.
3 Kenroku-en Garden là điểm đến đầu tiên không thể bỏ qua khi bạn tới Kanazawa. Như đã nói, đây là 1 trong 3 khu vườn Nhật Bản nổi tiếng nhất ở xứ sở đỉnh cao về nghệ thuật làm vườn này (hai vườn kia là Koraku-en ở Okayama và Kairaku-en ở Mito). Bản thân tên của khu vườn đã thể hiện sự đặc biệt của nó: Kenroku-en có nghĩa là “khu vườn được tạo nên bởi 6 yếu tố”, đó là: sự rộng lớn, sự tĩnh lặng, sự tôn kính, sự tinh tế trong thiết kế, sự hoàn hảo trong các bức tranh thiên nhiên và sự mát lành.
Được hình thành từ thế kỷ 17 và hoàn tất sau 2 thế kỷ, Kenroku-en vốn là một khu vườn riêng của một lãnh chúa, nằm không xa lâu đài Kanazawa. Kenroku-en cho bạn hiểu nghệ thuật làm vườn đỉnh cao của người Nhật là như thế nào. Bạn có thể nhìn thấy nghệ thuật bonsai đã được phóng lên vài chục cho tới vài trăm lần. Tới Kenroku-en vào đúng mùa hoa anh đào nữa, thì cuộc đời giống như mơ!
Và tôi cũng quay lại nơi này vào mùa đông nữa, để thưởng thức nghệ thuật “Yukizuri” lừng danh nhất của Kanazawa. “Yukizuri” là một câu chuyện dài cùng với nhiều đặc sản có một không hai khác của mùa đông nước Nhật, đó là nghệ thuật làm vườn mùa đông dường như chỉ có ở Nhật Bản, người ta làm các “mái nhà” bằng dây thừng để bảo vệ cây khỏi tuyết rơi gãy cành, và từ đó “Yukizuri” làm nên một lễ hội mùa đông…
4 Nếu Kyoto nổi tiếng với khu Gion của các geisha, thì Kanazawa là vương quốc của samurai. Nếu đến Kanazawa mà không tới Nagamachi Samurai District xem như bạn chưa tới nơi này! Đó là một nơi đẹp như tranh vẽ, nhất là khi tới đây vào buổi chiều nắng. Nắng vàng óng rót mật lên những bức tường vàng nâu, lên những tầng lá óng ả. Những con ngõ nhỏ quanh co dẫn bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Và nhất định phải mua vé vào Nomura House (500 yen) – đó là bảo tàng mẫu một ngôi nhà samurai mở cửa cho du khách vào thăm. Trái ngược với khu vườn Kenroku-en rộng lớn, tại đây, bạn sẽ thấy người Nhật có thể mang cả những dãy núi, những khu rừng… vào trong một khu vườn bé nhỏ như thế nào. Bạn hãy ngồi trên hành lang gỗ nhỏ, lặng nhìn và lắng nghe dòng nước chảy từ ống tre xuống chậu đá – dòng nước mảnh như sợi chỉ, nước nối ống tre với chậu đá – sự chuyển động trong tĩnh lặng tuyệt đối là đây!
Và cũng không nên bỏ qua Higashi-Chayamachi, ngôi làng nhỏ nằm bên bờ con sông Asano chạy ngang thành phố Kanazawa. Đây được xem là nơi phát tích của geisha, trước cả khu Gion ở Kyoto. Nhỏ hơn, ít thương mại hơn Gion, Higashi-Chayamachi đẹp nền nã và êm đềm!
4 ngày trôi đi ở Kanazawa quá ngắn ngủi. Những cánh hoa đào vẫn chưa chịu rời cành dù gió đang thổi mạnh. Chúng như đang níu giữ con tim tôi ở lại…
Thủy Phạm