Về Cù Lao Chàm để lặn biển và đi bộ ngắm san hô
Du khách đến với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) sẽ được bơi lặn, đi bộ dưới đáy biển để chiêm ngưỡng những rạn san hô rực rỡ sắc màu.
Có nhiều vùng san hô trên đảo cho du khách tự do lựa chọn như Hòn Dài, Hòn Tai, Hòn Nhờn, Rạng Mành, Bãi Bìm, Bãi Xếp, Đá Trắng… với khoảng 300 loài san hô khác nhau.
Lạc vào… thế giới khác
Chỉ mất chừng 15 phút đi canô, du khách đến điểm có rạn san hô nhiều nhất ở Cù Lao Chàm là Hòn Dài, được bao phủ bởi cây rừng xanh ngắt, dưới chân Hòn Dài là những tảng đá lớn xếp quanh tạo thành một bờ kè vững chắc.
Khi chiếc canô dừng lại, từng du khách mặc áo phao, đeo kính bơi xuống làn nước biển trong, xanh vắt để ngắm san hô.
Những rạn san hô với hàng trăm màu sắc tạo thành từng mảng dày đặc dưới lòng nước xanh mờ ảo khiến du khách vô cùng thích thú.
Du khách cũng có thể ngắm nhiều loài cá đủ màu sắc bơi lội quanh những rạn san hô sặc sỡ ấy.
Vừa làm một hơi dài lặn ngắm san hô dưới lòng biển, ông Richard Leech, du khách người Anh, cho biết dù đã đi lặn ngắm san hô ở nhiều vùng biển trên khắp thế giới, nhưng những rạn san hô ở đảo Cù Lao Chàm rất tuyệt vời, nhiều loại san hô thiên nhiên ở đây có màu sắc rất đẹp và rất đặc biệt.
Nếu muốn đi bộ hay lặn dưới đáy biển, du khách sẽ được nhân viên của các công ty du lịch hướng dẫn mặc áo quần lặn, đeo bình dưỡng khí và tháp tùng xuống đáy biển sâu gần chục mét.
Lần đầu tiên đi bộ dưới đáy biển ngắm san hô, chị Ngô Thị Hoàng Yến (28 tuổi, du khách Hà Nội) cho biết đã có một trải nghiệm tuyệt vời do san hô ở đây đẹp mắt, nhiều màu sắc bắt mắt…
Bảo tồn để phát triển du lịch
Ông Ngô Đình Quý, trưởng phòng tuần tra và phát triển cộng đồng (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), cho biết dịch vụ lặn ngắm san hô tại đây được nhiều du khách ưa thích.
Tại Cù Lao Chàm hiện có 38 doanh nghiệp với khoảng 100 chiếc canô và 11 tàu, thuyền ngư dân được cải hoán tham gia đưa khách lặn ngắm san hô.
Mỗi ngày bình quân lượng khách ra đảo khoảng 3.000 lượt, trong đó có 50-60% số khách lặn ngắm san hô.
“Hiện ban phân từng vùng, rạn san hô vừa phục vụ khách, vừa bảo tồn, bảo vệ san hô. Nếu đi bộ ngắm san hô thì chỉ được lặn ở khu vực Hòn Nhờn, Hòn Dài, Hòn Tai, Rạng Mành, Đá Trắng. Còn dịch vụ bơi, lặn ngắm san hô được triển khai ở Bãi Xếp, Bãi Bìm, Hòn Tai, Hòn Dài” – ông Quý nói.
Để giảm tác động đến rạn san hô, mỗi vùng chỉ được tổ chức lặn, ngắm san hô từ 3-5 năm, sau đó khoanh lại để bảo vệ, hạn chế gây ảnh hưởng đến rạn san hô.
Được địa phương hỗ trợ cải hoán tàu cá thành tàu dịch vụ đưa du khách lặn ngắm san hô, ông Trần Văn Cử (thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp) cho biết với giá dịch vụ cho đoàn khách từ 4-6 người tham quan quanh đảo và đeo ống thở ngắm san hô hiện vào khoảng 600.000 đồng, khách lẻ là 300.000 đồng/chuyến…, gia đình ông hiện có thu nhập ổn định hơn do lượng du khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ này ngày càng tăng.
Theo ông Ngô Văn Hai – nhân viên Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, khi chưa có dịch vụ lặn ngắm san hô, những vùng có san hô đã bị khai thác, đánh bắt.
Sau đó chính quyền tuyên truyền, vận động người dân không khai thác để bảo tồn, phục vụ du lịch bằng việc hỗ trợ, tạo sinh kế cho họ cải hoán tàu, thuyền để làm du lịch.
“Du khách rất thích thú với dịch vụ lặn ngắm san hô tại đây, một phần do đây là san hô hoàn toàn tự nhiên chứ không phải được lai tạo, nước biển lại trong xanh với nhiều loại cá đẹp, không khí trong lành…” – ông Hai cho biết.
VIỆT HÙNG – LÊ TRUNG