Bãi biển hoang sơ trên đảo quốc Sri Lanka
Nếu những bãi biển bên trên miền bắc, bên bờ đông vì nằm gần khu vực đóng quân, chiến sự đẫm máu ít người dám tới vẫn giữ nét hoang sơ, thì dưới miền nam xa xôi vẫn đông đúc tấp nập nhờ những miền biển đẹp.
Không chỉ vậy, cũng ở miền nam xứ sở nổi tiếng thuần Phật này khách du còn được chiêm ngưỡng nét dung hòa tôn giáo, sự cổ kính và chẳng kém mấy về sắc màu rực rỡ khi so với biển, cát và nắng lung linh.
“Thiên đường” nhiều điểm cộng
Đẹp – đương nhiên. Nhưng những thành phố, thôn xóm miền nam Tích Lan còn cuốn hút du khách bằng những nét chấm phá rất riêng dù nhiều nơi chỉ cách vài cây số.
Nói đến các cuộc vui hè hội triền miên, bia bọt tràn trề như những con sóng vỗ về kề bên cùng những câu chuyện năm châu bốn bể của dân balô, các công dân quốc tế… du khách túm tụm về Unawatuna hay Hikkaduwa.
Tìm bình yên nghỉ ngơi thư giãn cũng như tìm hiểu, sẻ chia đời ngư phủ, vạn chài đơn sơ chất phác đã có ngôi làng nửa nghề chài lưới nửa đồng áng Mirissa. Thích “xõa” hay “bung lụa” để tiêu bớt những dòng adrenaline trẻ trung cuồng nhiệt…, cứ đến Ahagama chờ những con sóng cuộn cao ngất lừng lững tiến vào mà trườn, leo lên lướt ván…
Yêu thiên nhiên, muốn cho con trẻ biết thêm đời sống hoang dã đã có Kosgoda. Ở đó du khách không chỉ ngó nghiêng mấy ổ trứng rùa biển, ba ba hiếm thấy mà còn có thể tham gia các hoạt động chăm sóc hoặc cùng nhân viên bảo vệ thả những chú rùa con về với biển mẹ.
Sang chảnh hơn, muốn vừa biệt lập trên đảo vừa được tự ý lang thang vào làng, qua chợ ngó nghiêng mua bán đã có resort trên đảo nhỏ Taprobane, mà khi triều xuống là có thể tự lội bộ vô bờ chẳng cần ghe thuyền ai đưa ai đón…
Điểm cộng thêm là rất nhiều di tích cổ xưa đã được hoặc đang chờ UNESCO lưu danh di sản. Chịu khó đi xa thì nhiều lắm, không thì gần nhất đã có thành cổ Galle.
Dù được nhắc đến xưa lắc trong câu chuyện thần khỉ Hanuman giúp hoàng tử Rama cứu nàng Sita, Galle được biết nhiều từ thế kỷ 16 khi người Bồ Đào Nha tấn công miền đất này.
Rất nhiều công sở, biệt thự, nhà thờ theo kiến trúc, tôn giáo khác nhau đan xen khi Galle bị “sang tay” từ Bồ Đào Nha đến người Anh, rồi Hà Lan… Nhưng tôi cũng như nhiều du khách khác đã dừng chân khá lâu ở những “di tích sống” thuộc hạng cổ cũng nhất nhì miệt này.
Đó là các hàng cổ thụ ven biển vài trăm năm tuổi, sừng sững, vững chãi giúp chận bước cuồng nộ của những cơn sóng thần tang tóc đau thương cách nay hơn thập kỷ.
Không những cứu người, cây còn cứu phố. Galle vẫn giữ được hầu hết những công trình vài trăm năm tuổi dù vào sâu trong đất liền, cơn sóng thần kinh hoàng đó đã dỡ nguyên một đoàn tàu lửa đang chạy.
Duyên sắc tôn giáo giao hòa
Đương nhiên nhiều nhất vẫn là những ngôi chùa, bảo tháp Phật giáo với sắc trắng bên ngoài nhưng rực sắc bên trong rất đặc trưng xứ này.
Những ngôi chùa miền nam nổi tiếng không chỉ vì rất xưa cổ mà cả những giá trị khác. Như bảo tháp Tissa Dagoba ở miệt Tissamaharma được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên có lưu giữ xá lợi Phật, nằm bên cái ao nhân tạo cũng đâu đó 2.000 năm tuổi.
Còn ở Mulkirigala ít được nghe đến, ngôi chùa không chỉ nổi tiếng vì ở lưng chừng đá núi cao 205m mà chính toàn bộ lịch sử Phật giáo xứ Tích Lan đã được lưu giữ trong bộ kinh khắc bằng chữ Pali trên lá cọ của ngôi chùa do vua Saddatissa xây dựng từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên…
Tôi chưa vinh hạnh chiêm ngưỡng bộ sử tận mắt, nhưng trải nghiệm trên con đường tạc thẳng vào đá núi hun hút mấy trăm bậc người xưa đã làm chỉ với công cụ thô sơ… không thể tả hết nỗi thán phục.
Những cuộc chiếm đóng, đô hộ, giành giật qua lại của nhiều chính quyền thực dân cũng đem về miền đất này những ảnh hưởng tôn giáo lạ.
Ngay cả trong cộng đồng châu Âu, ngôi nhà thờ Tin Lành nhỏ nhắn giản đơn của người Hà Lan cũng khác hẳn những ngôi nhà thờ Công giáo của người Bồ Đào Nha chi tiết và nhiều lắm những sắc màu, mà sẽ khó kể đủ hết nếu còn tính đến toàn bộ ô cửa kính rực rỡ đẹp…
Không chỉ vậy, chính quyền đô hộ còn kéo theo những lực lượng chư hầu yểm trợ, binh lính và gia đình đi theo. Rồi đội ngũ công nhân lành nghề phục vụ nhu cầu khai thác mới người bản địa không thông thuộc hoặc chối từ.
Nên chẳng ngạc nhiên mấy khi loáng thoáng đó đây đền Hindu rực sắc, thánh đường Hồi giáo khi nhã màu lúc lóng lánh đặc trưng với những mái vòm và tháp minaret thanh thoát.
Còn rất lạ khi miền nhỏ xíu Kataragama với những di tích có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên lại là đất thiêng cả ba tôn giáo Phật giáo, đạo Hồi, Hindu cùng lúc tôn thờ.
Làm phông nền đẹp cho hết thảy, dĩ nhiên là biển xanh nắng vàng cận xích đạo hờ hỡ, cỏ cây bời bời. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nói đến tính chuộng sắc của người bản địa, còn ảnh hưởng đến cả cư dân cũ mới đã tìm về.
Nên những căn nhà từ ảnh hưởng kiến trúc phương Tây vuông vắn chắc chắn đến của người địa phương đơn giản cũng thường được sơn phết đẫm màu. Ngay cả các ngôi nhà đơn sơ thì các khung cửa sổ hoa hòe hoa sói cũng làm vui mắt hẳn lên.
Nên chẳng khó hiểu mấy sự dùng dằng luyến lưu ngày visa hết phải chia tay miền nam, rời xứ Tích Lan bay về cố quận. Lại thêm một miền hẹn để quay trở về
TRẦN THÁI HOÃN