Phát triển xe sử dụng năng lượng sạch
Hiện TP Hồ Chí Minh có 6 tuyến xe buýt điện đang hoạt động ở khu vực trung tâm và quận 7, nhằm phục vụ chủ yếu cho khách du lịch tham quan thành phố. Để đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng điện vào loại hình vận tải hành khách, Sở Giao thông – Vận tải vừa tiếp tục đề xuất UBND thành phố thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện chở khách du lịch. Đồng thời, kết nối với vận tải khách bằng đường thủy, nhằm tạo thuận lợi cho du khách và người dân thành phố khi di chuyển giữa các loại hình vận tải công cộng trên địa bàn.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Theo đề xuất này, xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện sẽ vận chuyển khách du lịch và người dân từ các bến tàu (khi di chuyển bằng đường thủy) đến các khách sạn, điểm du lịch tiêu biểu và các khu dân cư trên địa bàn thành phố như: Các khách sạn New World, Sheraton, Rex, Majestic; Chợ Bến Thành; Nhà hát thành phố; Bảo tàng Mỹ thuật thành phố; Phố đi bộ Nguyễn Huệ; Khu dân cư An Phú và Thảo Điền… Quá trình hoạt động sẽ sử dụng loại xe từ 8 đến 14 chỗ ngồi, với 10 xe trên 3 tuyến. Thời gian xe chạy từ 5h sáng đến 22h hằng ngày.
Để kết nối với vận tải đường thủy, dự kiến cuối tháng 11 này tuyến buýt đường sông số 1 (quận 1 – Thủ Đức) đi vào hoạt động sau gần 3 tháng chạy thử. Tuyến buýt đường sông đầu tiên này sẽ chạy hằng ngày trong thời gian từ 6h sáng đến 19h30 tối. Nếu tính cả đón, trả khách, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 thời gian so với buýt đường bộ. Ngoài ra, tuyến buýt đường sông số 2 (quận 1 – quận 6) cũng sẽ hoạt động vào đầu năm 2018.
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố đang hoạt động thí điểm 6 tuyến xe buýt điện gồm: 3 tuyến sử dụng xe 4 bánh không trợ giá ở khu vực trung tâm thành phố và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Cụ thể, tuyến D1 ở khu vực trung tâm; tuyến D2 và tuyến D3 ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Các tuyến xe buýt điện này hoạt động hằng ngày. Ngoài ra, 3 tuyến xe điện còn lại vận chuyển khách du lịch theo hình thức hợp đồng trong vòng 3 năm tại khu vực quận 1, 3 và 5.
Về phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG), ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố cho biết, thực hiện đề án đầu tư xe buýt mới đến hết năm 2017, đến nay thành phố đã đưa vào hoạt động 300 xe buýt CNG; kế hoạch đến cuối năm nay sẽ đưa tiếp hơn 700 xe CNG vào chạy. Giai đoạn 2018-2020, thành phố sẽ chuyển đổi khoảng 1.000 xe buýt có niên hạn sử dụng trên 10 năm sang xe buýt mới CNG. Khi đưa vào hoạt động số lượng lớn xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch sẽ hiện đại hóa phương tiện giao thông công cộng, nhằm nâng cao sức hấp dẫn đối với loại phương tiện này.
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP Hồ Chí Minh, việc tổ chức thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện là hoạt động phù hợp và rất cần thiết để phục vụ người dân cũng như du khách đến tham quan các điểm du lịch.
Đồng thời, việc chú trọng phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch sẽ góp phần phát huy hiệu quả của tuyến vận tải hành khách công cộng đường bộ lẫn đường thủy, kéo giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.
Hà Phạm