Ai sẽ chủ động khi xe Toyota bị thu hồi
Vừa qua, Toyota lại vừa triệu hồi 8.036 xe vì lỗi bơm túi khí hành khách phía trước. Những mẫu xe Toyota Corolla Altis bị lỗi thuộc lô sản xuất từ ngày 24/7/2008 đến 31/12/2009.
Đáng nói, trước đó, TMV báo cáo với Cục Đăng kiểm Việt Nam có tới 71.000 xe Toyota Việt Nam sử dụng túi khí Takata. Và mới đây, TMV cũng phải thông báo triệu hồi để kiểm tra, thay thế túi khí Takata cho 18.000 xe của dòng Vios.
Theo Tập đoàn Toyota Nhật Bản (TMC), cụm bơm khí (được cung cấp bởi công ty Takata) trên các xe nằm trong diện ảnh hưởng có thể được sản xuất không đúng cách nên có nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian.
Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong cụm bơm khí quá lớn và dẫn đến khả năng cụm bơm khí bị nứt vỡ.
Trong trường hợp cụm bơm khí bị nứt vỡ, các mảnh kim loại của bơm khí có thể bắn văng ra xuyên qua túi khí đã được bơm phồng, dẫn đến nguy cơ gây chấn thương nghiêm trọng cho hành khách nếu xảy ra tai nạn.
Được biết, Takata là tập đoàn sản xuất thiết bị an toàn xe hơi của Nhật Bản, lớn thứ 2 thế giới. Ngày 26/6/2017, Takata đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản do sức ép nợ nần quá lớn từ việc phải thu hồi hàng triệu túi khí ô tô sau khi túi khí do hãng sản xuất bị cho là có liên quan tới nhiều cái chết của người dùng ô tô trên thế giới.
Không chỉ Toyota mà cả Honda, BMW, Ford, Chrysler và Mazda cũng đã phải triệu hồi hàng loạt mẫu xe dùng túi khí Takata. Vậy, tại sao đến nay TMV mới triệu hồi thêm 8.036 xe Corolla Altis? Số xe còn lại có bị triệu hồi không, bao giờ triệu hồi?
Trả lời Tiền Phong, đại diện TMV cho biết: Ngay sau khi được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt đơn xin triệu hồi 8.036 xe Corolla Altis, TMV đã thông tin đến các cơ quan thông tấn để người đang sử dụng xe Altis nằm trong diện triệu hồi nắm bắt thông tin.
Với đợt triệu hồi lần này, TMV đã gửi đề xuất triệu hồi tới Cục Đăng kiểm Việt Nam từ cuối tháng 11/2017 và đến thời điểm hiện tại đã được phê duyệt. Đối với túi khí bên phía người lái được cung cấp bởi nhà cung cấp khác (không phải công ty Takata), sẽ không nằm trong diện bị ảnh hưởng.
Đại diện Cục Đăng Kiểm Việt Nam cũng cho hay, có 2 trường hợp dẫn tới phải triệu hồi xe. Một là, tự nhà sản xuất linh kiện, ở đây là Takata phát hiện trong quá trình sản xuất, thiết kế rồi chủ động thông báo cho phía khách hàng – các hãng xe mua túi khí này. Takata sẽ rà soát xem túi bị lỗi sản xuất từ thời điểm nào tới thời điểm nào, cung cấp cho những hãng nào.
Sau đó, các hãng – nhà sản xuất xe (ở đây là Tập đoàn Toyota) nhận được thông báo của Takata sẽ cùng rà soát, đối chiếu xem đã lắp ráp trên những kiểu loại xe gì, ở thị trường nào (Mỹ, Nhật, hay Việt Nam…), thời gian nào,… Trên cơ sở đó, Toyota sẽ thông báo cho các chi nhánh (như TMV ở Việt Nam) để lên kế hoạch, chiến dịch triệu hồi.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm, có thể nhà sản xuất xe hoặc cơ quan quản lý (Cục Đăng kiểm Việt Nam) nhận được thông tin phản ánh từ người tiêu dùng về các sự cố (xe tai nạn không bung túi khí, hoặc túi khí bung nhưng gây sát thương cho người ngồi trên xe…), thì cơ quan quản lý sẽ phối hợp với nhà sản xuất để xử lý.
Trong trường hợp này, nếu phát hiện lỗi do người sử dụng sai thì sẽ loại bỏ nguyên nhân/trách nhiệm của nhà sản xuất. Ngược lại, nếu xác định lỗi do thiết kế xe, do linh kiện thì nhà sản xuất và nhà cung cấp linh kiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“TMV báo cáo có 71.000 xe ở Việt Nam sử dụng túi khí của hãng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã yêu cầu TMV rà soát, báo cáo cụ thể số lượng xe phải triệu hồi. Lúc này TMV sẽ phải liên hệ với Tập đoàn Toyota ở bên Nhật Bản để rà soát, kiểm tra lại.
Sau khi xác định cụ thể, TMV sẽ thông báo những trường hợp nào bị ảnh hưởng túi khí Takata phải triệu hồi, trường hợp nào không để thông báo rộng rãi tới khách hàng. Quá trình này có thể kéo dài cả nửa năm, tùy vào mức độ của lỗi trên phương tiện”, đại diện Cục Đăng kiểm cho biết thêm.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khẳng định: “Nếu để xảy ra tai nạn, thương tích cho người sử dụng xe thì nhà sản xuất, hãng xe sẽ phải bồi thường thiệt hại, chịu trách nhiệm trước pháp luật theo tính chất, mức độ vụ việc”.