Đến Thụy Sĩ, phải ghé thăm thủ đô Bern
Nhỏ nhưng có… võ!
Bern có diện tích khá khiêm tốn, rộng chưa đến 52 km2 với dân số chỉ hơn 130.000 người. Bern không chỉ là thủ đô của liên bang Thụy Sĩ mà còn là thủ phủ của bang cùng tên. Thành phố này được hình thành khá muộn, chỉ bắt đầu từ thế kỷ 12, rồi gia nhập liên bang Thụy Sĩ vào thế kỷ 14 và mãi đến năm 1848 mới trở thành thủ đô của liên bang. Bern còn nổi tiếng bởi nhiều cuộc hội nghị đấu tranh giai cấp Quốc tế thứ 1 và Quốc tế thứ 2 diễn ra tại đây.
Lịch sử hình thành là thế, để ngày nay du khách có cơ hội khám phá Bern với dấu ấn của các công trình cổ. Dòng sông Aarea uốn lượn chia cắt thành phố với một bên là bán đảo nhô ra. Thật ra, vào thời kỳ trung cổ, thành phố cũng chỉ tập trung tại bán đảo này, mãi đến thế kỷ 19 phần bên kia sông mới được xây dựng.
Cầu Untertorbrücke xây dựng năm 1489 để nối bán đảo phố cổ với bên kia bờ. Đây cũng là cây cầu duy nhất của thành phố bắc qua sông Aarea cho đến giữa thế kỷ 19. Cầu được xây bằng đá cẩm thạch trên tàn tích cây cầu bằng gỗ trước đó hơn 200 năm. Ngày nay, cầu Untertorbrücke được liệt kê vào danh sách những di sản quốc gia của Thụy Sĩ.
Toàn bộ phố cổ tại bán đảo đều là di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Tuy nhiên du khách nên bắt đầu chuyến tham quan của mình tại biểu tượng của phố cổ: tháp đồng hồ Zytglogge. Tháp đồng hồ nằm ngay trung tâm. Tòa tháp được xây dựng từ năm 1218, đây là một trong những tháp đồng hồ công cộng xưa nhất thế giới với chiếc đồng hồ thiên văn gồm nhiều phần.
Chiếc đồng hồ thiên văn ấy thật sự là thành tựu đương thời gồm bản đồ chiếu cầu phẳng cùng các vòng tròn to nhỏ chồng chéo phức tạp cho biết nhiều thông tin như cung hoàng đạo, giờ, ngày trong tuần, tháng, năm, bình minh, giờ chiếu sáng… Đồng hồ còn có 2 mặt chính cho biết giờ ở phía tây và phía đông. Cùng trên con phố cách đó không xa là tháp đồng hồ Käfigturm được xây dựng vào năm 1256. Trong suốt 800 năm tồn tại và trải qua nhiều lần trùng tu, Zytglogge vẫn là biểu tượng tiêu biểu của xứ sở đồng hồ Thụy Sĩ.
Xuyên qua những con đường lót đá nhỏ hẹp, du khách sẽ lần lượt bắt gặp 11 đài phun nước từ thế kỷ 16 được chạm trổ nhiều màu sống động, khắc họa hình ảnh những vị thánh, người hùng, thậm chí kẻ ăn thịt trẻ nhỏ (Kindlifresserbrunnen). Nhà điêu khắc nổi tiếng Hans Gieng là tác giả của 10 trong số 11 tượng đài cổ đó.
Cũng trong khu phố, tòa thị chính hơn 600 tuổi theo lối kiến trúc Gothic có mặt tiền khá độc đáo với cầu thang bên ngoài gồm 2 lối đi dẫn lên tầng 1. Dù rất cổ, ngày nay tòa nhà vẫn được sử dụng đúng như chức năng ban đầu của nó là nơi làm việc của chính quyền thành phố.
Cách tòa thị chính không xa là thánh đường Bern được xây dựng vào đầu thế kỷ 15 mang phong cách Gothic. Công trình đồ sộ giữa phố cổ ban đầu thuộc quyền giáo hội Công giáo. Tuy nhiên trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhất là sự ly khai tôn giáo, ngôi thánh đường ngày nay trở thành nơi sinh hoạt của cộng đồng đạo Tin lành.
Chính vì thế nội thất của nhà thờ cũng rất đơn giản, không thánh tượng cũng như không họa tiết hay tranh ảnh sắc sảo như các nhà thờ Công giáo cổ khác ở châu Âu. Tuy nhiên, với chiều cao tháp chuông hơn 100 m, thánh đường Bern trở thành ngôi thánh đường cao nhất ở Thụy Sĩ, cũng như điểm cao nhất tại thành phố Bern.
Đi về hướng tây bạn sẽ gặp Cung điện liên bang Thụy Sĩ. Cung điện được xây dựng cách đây hơn 150 năm để làm nơi hội họp cấp nhà nước, là văn phòng của nghị viện và hội đồng liên bang. Một số nơi trong cung điện hiện vẫn cho phép du khách vào tham quan, nhưng cần đăng ký trước. Cung điện là công trình đồ sộ giữa một thành phố nhỏ bé, với phần mái vòm màu xanh cao đến 64 m. Nếu nhìn từ bên kia dòng sông, bạn sẽ thấy mặt sau và mái vòm cung điện hiện lên giữa vườn cây cùng dòng nước trong vắt bên dưới, cảm nhận được hoành tráng của công trình.
Lịch sử đã ghi dấu bình yên
Khu phố cổ có nhiều khách sạn dành cho những du khách muốn lưu lại lâu lơn nhằm khám phá thêm nơi đây hoặc thực hiện một chuyến dã ngoại ra vùng ngoại ô.
Bởi vì Bern yên bình, ngay cả trong chiến tranh thế giới, nên những ngôi nhà dân có tuổi đời hơn 500 năm vẫn còn tồn tại. Trên đường đi bộ qua bên kia sông, tôi quay người nhìn lại và sững sờ trước vẻ đẹp cổ điển của thành phố. Màu đỏ của mái ngói được bao quanh bởi màu của hàng cây chạy dọc theo dòng sông hiền hòa, phía trên là bầu trời xanh ngát càng tôn lên vẻ đẹp yên bình kia.
Tôi ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Bern để tìm hiểu thêm về lịch sử thành phố. Kiến trúc của tòa nhà cũng đã là điểm hút khách đến thăm bởi nó được thiết kế mang hình dáng tòa lâu đài thời trung cổ với các tòa tháp vút cao. Viện bảo tàng chứa đựng các hiện vật và tư liệu lịch sử Bern từ thời tiền sử đến hiện đại, ngoài ra còn có các hiện vật từ những vùng khác như Ai Cập, châu Á, châu Mỹ và cả châu Đại Dương xa xôi.
Nếu như bên trong khu phố cổ, căn nhà nơi Albert Einstein được mở cửa cho du khách đến xem, thì bên trong Viện Bảo tàng lịch sử Bern còn có Bảo tàng Einstein, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của nhà thiên tài vật lý này, đây là giai đoạn mà ông xây dựng thuyết tương đối. Phải mất ít nhất nửa ngày bạn mới có thể tham quan hết bảo tàng lịch sử.
Cách đó không xa còn có Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên trưng bày các hiện vật và hóa thạch sinh vật của vùng; Viện Bảo tàng vùng Alps Thụy Sĩ tái hiện cuộc sống con người vùng núi cùng những phương tiện du lịch; Bảo tàng truyền thông về các thiết bị truyền phát tín hiệu; Khán phòng nghệ thuật trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại và Thư viện quốc gia Thụy Sĩ – một tòa nhà cổ hơn 120 năm, cũng là di sản quốc gia. Được biết, bên trong Thư viện quốc gia chứa đựng hơn 5 triệu tài liệu khác nhau.
Khu vực học thuật và nghệ thuật bên này sông là nơi mà du khách có thể tìm hiểu và kiếm mọi thông tin về lịch sử, con người và văn hóa của Bern và cả Thụy Sỹ. Thế nên, khi đã đến đất nước hòa bình này, sẽ là một thiếu sót lớn nếu các bạn bỏ qua thủ đô cổ kính và bình yên như thế.
Nguyễn Thế Phúc