Tháng 3, Tết Tây Bắc trong khách sạn Mường Thanh
Tết đặc biệt của người Mường Thanh
Tháng 3 gõ cửa, hoa ban khoe sắc khắp các cung đường, triền núi thắp lên vũ điệu tươi đẹp nhất của mùa xuân và lòng người dân Tây Bắc với một hy vọng mới về mùa màng bội thu, no đủ. Cả miền Tây Bắc vốn đã thơ mộng càng trở nên quyến rũ. Khắp nơi chim ca lảnh lót, hòa vào tiếng suối róc rách, tiếng cười rộn rã, hân hoan của mọi người, mọi nhà.
Thời khắc đẹp nhất của Tây Bắc – quê hương của thương hiệu Mường Thanh đã khơi dậy, tạo hứng khởi cho hàng chục ngàn cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tập đoàn Khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam cùng sum vầy, tụ hội để yêu thương và tỏ bày lòng biết ơn cội nguồn vào ngày 12/3 – ngày Tết đặc biệt của người Mường Thanh.
Cứ như thế, 4 năm nay (kể từ năm 2014), tháng 3 chạm ngõ là những cành ban rừng lại được xếp gọn gàng trên các chuyến xe Bắc – Nam xuôi ngược, bất chấp cái lạnh miền Bắc hay nắng vàng phương Nam đến với 50 khách sạn Mường Thanh ở khắp các vùng miền của đất nước.
Điều đặc biệt thú vị là trong ngày “Tết Mường Thanh” – như ý nghĩa của một ngày Tết thực sự – cán bộ, nhân viên Mường Thanh được ăn Tết bên nhau, để cùng tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, bản sắc thương hiệu. Họ sẽ cùng trang trí cây hoa ban ở đại sảnh, treo lên đó những nét đẹp văn hóa Mường Thanh. Các cô gái xúng xính trong trang phục váy Thái duyên dáng, phô diễn nét đẹp thanh tân dịu dàng với nụ cười nồng hậu.
Dường như, các cô gái Mường Thanh yểu điệu hơn trong trang phục áo cóm truyền thống màu trắng kết hợp xanh, đen may bó sát cơ thể với hàng khuy bạc trắng cùng váy dài quấn suông và chiếc khăn piêu rực rỡ sắc màu. Chắc hẳn, họ đã rất tự hào khi giữa những phố thị ồn ào được khoác trên mình chiếc váy Thái duyên dáng, và là một thành viên của Tập đoàn đón tết trong bầu không khí ấm áp yêu thương.
Bản sắc trên mâm cỗ Tết
Giữa không khí tươi vui ấy, nhấp chén “linh tửu” táo mèo hay sâu chít, bất giác, có thể bạn sẽ lịm đi trong sự ngọt ngào. Thật lạ, quả táo mèo (hay sơn tra) được trồng trên những vùng núi cao, thấm đẫm gió ngàn và sương giá, ăn vào hơi chua chua, chát chát nhưng khi ngâm rượu lại ngọt lịm bờ môi.
Còn đặc sản rượu sâu chít hoa ban nhấp ngụm nhỏ thôi, hương thơm, vị ngọt dịu, ngầy ngậy sẽ lập tức lan tỏa khắp vòm miệng và cực tốt cho cả quý anh, quý chị cho đến các vị phụ lão.
Nhưng đó chưa phải tất cả những gì khiến bạn thăng hoa. Bởi, khi thưởng thức mâm cỗ trong ngày Tết Mường Thanh, bạn sẽ phải đi hết thú vị này đến ngạc nhiên khác. Trước tiên phải kể tới món xôi chim dẻo thơm được bày trong cái ếp tre mộc mạc luôn ấm và mềm, béo ngọt nhờ vị thịt chim câu giúp khơi dậy mọi giác quan của thực khách.
Món mọ cáy (hay mọ gà) không chỉ bổ dưỡng mà còn mang ý nghĩa cầu mong năm mới sức khỏe dồi dào.Trong khi đó, món Pà Khính Boong (cá lu gác bếp) lại mang ý nghĩa mong muốn một năm mới an nhàn không vất vả được thảnh thơi như những khi ta nằm trên võng nghỉ ngơi.
Tiếp đến, món vịt om hoa chuối nóng hổi lại sưởi ấm trái tim người thưởng thức với vị bùi của hoa chuối hòa quyện vào vị ngọt của thịt vịt và vị cay cay của mắc khén cùng ớt giữa tiết trời se lạnh của mùa xuân.
Món Lạp Trâu thái tượng trưng cho sức mạnh của người đàn ông trong gia đình vừa thơm, vừa giòn chấm cùng nước măng chua hài hòa với vị ngọt của thịt, vị giòn của bì trâu khiến bất cứ ai cũng phải chảy nước miếng khi nhớ về, khiến mâm cỗ Tết Mường Thanh thêm sinh động, trọn vẹn, đủ đầy hương sắc từ vị chua, vị đắng dịu, vị thơm, vị ngọt đến vị bùi.
Một coong xôi tím lá cây nóng hổi, bắt mắt và món cơm lam dẻo dai, thơm mùi ống tre gai nướng, ăn cùng muối vừng cũng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Mường Thanh. Tất cả các món ăn ấy đều được làm từ nguyên liệu sạch, chế biến cầu kỳ theo phương thức truyền thống của đồng bào Thái, gửi gắm bao yêu thương của người Mường Thanh tới thực khách.
Không phải ngẫu nhiên, người Mường Thanh lại chế biến mâm cỗ Tết kỳ công như vậy, mà bởi bao năm nay, Tập đoàn Mường Thanh đã nhất quán đi theo con đường bảo tồn văn hóa và bản sắc thương hiệu và bản sắc dân tộc.
Bà Lê Thị Hoàng Yến – Tổng Giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh tâm sự: “Chúng tôi cần sự khác biệt và phải khác biệt để có thể phát triển bền vững. Sự khác biệt ấy của Mường Thanh đến từ cái tên của mình – từ nguồn cội văn hóa Tây Bắc”.
Qua 25 năm, Thương hiệu Mường Thanh đã phát triển trở thành “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam” với hơn 50 khách sạn trải dài toàn quốc và nước bạn Lào. Tên gọi “Mường Thanh” đã thực sự vươn tầm cao mới, vượt ra ngoài tầm vóc của tên xứ sở Tây Bắc như buổi đầu khởi thủy.
Nhân viên khách sạn Mường Thanh giờ không chỉ có những người con của đất Điện Biên, mà đã là hơn 7000 người lao động ở khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam với tiếng nói khác nhau, bản sắc văn hóa, phong tục khác nhau.
Thanh Loan