TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh 9 sản phẩm du lịch chủ lực
Đây là mục tiêu của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đặt ra tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2017 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trong tâm năm 2018 do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 11/1.
Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch thành phố vừa kết thúc năm 2017 với nhiều thành tựu đáng tự hào, trong đó ấn tượng nhất là đón hơn 6,38 triệu lượt du khách quốc tế đến thành phố, đạt doanh thu hơn 115,97 nghìn tỷ đồng. Khách nội địa đến TP Hồ Chí Minh cũng đạt 24,9 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ.
Đồng thời, năm 2017 cũng đánh dấu nỗ lực của ngành nay khi cùng ngành công an đã đảm bảo an ninh, an toàn cho khách đến bằng việc kéo giảm số vụ cướp giật tài sản của du khách; thường xuyên tăng cường lực lượng thanh niên xung phong trong việc giúp du khách giải quyết các tình huống chèo kéo, cướp giật tài sản tại các điểm đến tham quan.
Du lịch TP Hồ Chí Minh muốn phát triển cần đầu tư đúng mức cho sản phẩm du lịch chủ lực.
Theo ông Lã Quốc Khánh, trong năm 2018, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu hút 29 triệu lượt khách du lịch nội địa và tổng thu từ du lịch đạt 138 nghìn tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục phát triển 9 sản phẩm du lịch chủ lực như: du lịch MICE, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, ẩm thực, y tế, city tour… đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ các cơ sở lưu trú, lữ hành; tiếp tục xúc tiến quảng bá du lịch thành phố tại các thị trường trọng điểm…
Ông Phạm Ngọc Khương, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, năm 2017, số vụ cướp giật tại thành phố đã giảm so với năm 2016. Theo đó, đơn vị đã tiếp nhận 59 vụ xâm hại tài sản người nước ngoài, trong đó có 42 vụ cướp giật, 17 vụ trộm tài sản, đã điều tra và khám phá 38 vụ… Ngoài ra, lực lượng thanh niên xung phong đã giải quyết 8.750 vụ chéo kéo, đeo bám du khách, hướng dẫn 34 khách bị mất cắp đến công an phường trình báo, bắt quả tang 38 đối tượng cướp giật…
“Sở dĩ kéo giảm được tình hình trên là do thành phố có sự ổn định về chính trị, an ninh trật tự – xã hội. Đây là điểm góp phần vào việc thu hút du khách đến TP Hồ Chí Minh, nhất là du khách nước ngoài. Để kéo giảm nạn chèo kéo du khách, cướp giật tài sản, Công an Thành phố vẫn tiếp tục kết hợp với các đơn vị tuần tra, kiểm tra thường xuyên các khu vực có đông du khách tới tham quan, cập nhật tình hình du khách nước ngoài vào Việt Nam để cùng các công ty lữ hành có những can thiệp kịp thời khi có sự cố với du khách”, ông Khương cho biết thêm
Năm 2018, TP Hồ Chí Minh tăng cường đảm bảm an ninh an toàn cho du khách khi đến thành phố.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng, ngoài việc tăng cường an toàn cho du khách, ngành du lịch thành phố cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ lực để thu hút và giữ chân du khác.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc công ty du lịch Viettravel, cho biết ngành du lịch thành phố muốn phát triển hơn nữa, cần chọn được sản phẩm du lịch chủ lực để đầu tư, trong đó chú trọng gắn du lịch với phát triển văn hóa cộng đồng để có đầu tư đúng mức.
Ông Kỳ dẫn chứng: Du lịch thành phố hiện nay mới chỉ tập trung phát triển sản phẩm du lịch từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối mà chưa chú ý phát triển sản phẩm du lịch từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau. Nghĩa là sản phẩm du lịch về đêm đang bị bỏ ngỏ, trong khi doanh thu của sản phẩm du lịch về đêm đóng góp 70% cho doanh thu cho ngành. Bên cạnh đó, thành phố là trung tâm thương mại lớn của cả nước thì cần phát triển sản phẩm du lịch mua sắm. Về xúc tiến thị trường du lịch, thành phố cần có giải pháp cho thị trường nội địa. Chẳng hạn, muốn thành phố là nơi đến để mua sắm thì cần xác định 3 thị trường chính là miền Bắc, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ. Thị trường nước ngoài nên sắp xếp lại ưu tiên như đứng đầu là thị trường Trung Quốc, kế đến là Đông Bắc Á và ASEAN….
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ngoài việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh cho du khách, ngành du lịch cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mỗi người dân là một đại sứ du lịch của thành phố để duy trì điểm đến thân thiện trong lòng du khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó có thể mời các chuyên gia, giảng viên nước ngoài về giảng dạy; quy hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch phát triển các sản phẩm mới như đầu tư về cầu tàu, bến bãi cho du lịch đường thủy, phát triển giao thông công cộng, kết nối giao thông với các tỉnh… để phát triển du lịch liên kết vùng.
Hoàng Tuyết