Đánh giá nhanh Mitsubishi Outlander lắp ráp CKD tại Việt Nam
Mitsubishi Motors Việt Nam đã chính thức giới thiệu phiên bản Outlander lắp ráp CKD thay cho mẫu nhập khẩu, vẫn là ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield với ngoại hình nhìn hiện đại. Hãy cùng Autocarvietnam đánh giá nhanh qua mẫu lắp ráp này ngay tại nhà máy của Mitsubishi Motor Việt Nam, trước khi chúng tôi cố gắng có một bài thử xe hoàn chỉnh vào thời gian sớm nhất gửi đến quý bạn đọc.
Thiết kế
Outlander sở hữu diện mạo ngoại thất ấn tượng với ngôn ngữ Dynamic Shield đã quá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam gần 1,5 năm trở lại đây, điều này tạo cho chiếc xe sự tự tin khi đã được kiểm chứng về chất lượng qua thời gian.
Nội thất có thiết kế chưa quá xuất sắc nhưng ưa nhìn, chất liệu nội thất sử dụng là bọc nỉ cho phiên bản 2.0 CVT và da nhân tạo cho bản 2.0 CVT Premium và 2.4 CVT Primium.
Khác với những bản nhập khẩu thì cả 03 phiên bản đều là trang bị 5+2, điều này làm hài lòng phần lớn khách hàng Việt khi chọn xe đa dụng cho gia đình, hàng ghế thứ 2 có thiết kế linh động trượt được để thay đổi khoảng không gian để chân của hàng ghế thứ 3. Tuy nhiên trên thực tế hàng ghế thứ 3 vẫn chỉ thích hợp cho trẻ em dưới 12 tuổi nếu muốn thoải mãi khi phải chở đủ 7 người.
Có 03 phiên bản lắp ráp được cung cấp ra thị trường gồm: Outlander 2.0 CVT (công suất 145 mã lực, mô-men xoắn 196 Nm) là phiên bản tiêu chuẩn được trang bị an toàn đầy đủ nhưng các tính năng tiện ích vừa đủ; Outlander 2.0 CVT Primium (công suất 145 mã lực, mô-men xoắn 196 Nm) có trang bị thêm nhiều tiện ích hơn, trong khi bản cao cấp nhất 2.4 CVT Primium (công suất 167 mã lực, mô-men xoắn 222 Nm) dẫn động bốn bánh AWD và nhiều trang bị tiện ích nhất.
Trong ba phiên bản không khó để nhận ra mẫu xe 2.0 CVT là mẫu chủ lực chiến lược với giá khởi điểm mềm trước các đối thủ là 808 triệu, nhưng về mặt trang bị an toàn hầu như đầy đủ tương tự với phiên bản cao nhất 2.4 CVT Premium.
Tất nhiên ở những phiên bản cao hơn sẽ có thêm những tiện tích như: cửa sổ trời, ghế lái chỉnh điện, cốp sau đóng mở điện, lẫy sang số trên vô-lăng, đèn pha LED có rửa (bản tiêu chuẩn chỉ trang bị halogen), cảm biến đèn pha, gạt mưa tự động, phanh tay điện ở phiên bản 2.4L CVT Premium.
Ngoài sự khác biệt về các tiện ích giữa các phiên bản, thì các trang bị còn lại như: vô-lăng trợ lực điện, hệ thống treo (treo trước Macpherson với thanh cân bằng, treo sau đa điểm với thanh cân bằng), cỡ mâm 18 inch, hệ thống phanh đĩa, tất cả đều tương tự. Tuy nhiên như đã nói ở trên sẽ có khác biệt về sức mạnh giữa bản 2.0L và 2.4L, và cả kiểu dẫn động cầu trước hoặc bốn bánh AWD.
Vận hành
Tương tự như lần ra mắt đầu tiên hồi năm 2016 ở trường đua Happyland, các phóng viên chuyên ngành xe sẽ có cơ hội lái thử ngay sau buổi ra mắt. Điều Autocarvietnam quan tâm nhiều, đó là khả năng cách âm khá tốt từng đạt được trên mẫu xe nhập có giữ lại được trên bản lắp ráp hay không? Trên thực tế trải nghiệm thử ở đường chạy có thể thấy mức cách âm không khác biệt so với bản nhập, điều này đáng ghi nhận trong khi xe được trang bị vỏ mỏng trên mâm lớn 18 inch.
Về sức mạnh thì chắc chắn không có sự thay đổi ở cả hai phiên bản so với bản nhập, dù chúng tôi được chạy thử cả hai phiên bản nhưng vì khuân viên hạn chế nên không thể đẩy cao các tình huống thử. Nhưng ở Bài đánh giá Outlander 2.4L kéo dài từ 2-3 ngày của phiên bản nhập trên các loại địa hình, thì chúng tôi đánh giá rất cao cảm giác lái lẫn khả năng off-road của phiên bản 2.4L, bên cạnh đó sự thích thú ở mẫu Outlander 2.4L CVT Premium và 2.0 CVT Primium là có trang bị lẫy tay trên vô-lăng, điều làm nên chất “đàn ông” để trải nghiệm từng cấp số giả lập cũng như vòng tua máy cao khi cần, bên cạnh khả năng vận hành mượt mà của hộp số vô cấp CVT trang bị tiêu chuẩn cho xe thích hợp cho gia đình.
Hệ thống điều hòa của Outlander có lẽ là phần quan tâm nhiều nhất của những người chuẩn bị mua sắm xe, và một lần nữa nó vẫn được duy trì giống hệt bản nhập khẩu, nghĩa là không có cửa gió điều hòa ở hàng ghế thứ 2, đây cũng là lời khẳng định một lần nữa của nhà sản xuất là nó đủ cung cấp để luôn duy trì một khoang ca-bin lạnh “đúng ý”. Cá nhân người viết cũng chạy thử Outlander trong nhiều ngày và lần này cũng thế, có thể khẳng định hệ thống điều hòa của Outlander chạy khá tốt và người mua không cần phải bận tâm.
Nhận xét
Chưa thể cảm nhận hết Outlander lắp ráp tại Việt Nam với những trải nghiệm quá ít ỏi, chúng tôi sẽ sớm có bài trải nghiệm đầy đủ về mẫu xe này để mang đến cho bạn đọc cái nhìn chi tiết nhất so với bản xe nhập. Về tính cạnh tranh có thể thấy Outlander lắp ráp xuất hiện kịp thời để tạo lợi thế, trong lúc thị trường xe nhập đang rất khó khăn từ nghị định 116 khiến một vài đối thủ mất lợi thế.
Ngoài ra với mẫu Outlander 2.0 CVT có giá khởi điểm chỉ 808 triệu, càng khiến cho sức cạnh tranh của mẫu crossover cỡ trung này tăng lên rõ rệt trước các đối thủ, và mẫu xe này có thể hoàn toàn làm nên chuyện trong năm 2018. Hiện tại mẫu xe đã rất hút đơn đặt hàng từ trước, nhà máy lắp ráp tăng hết công suất để giao tới các đại lý nhưng vẫn không kịp, đây cũng là khởi đầu khá tốt cho mẫu xe Outlander lắp ráp trong nước này. Theo thông tin của Autocarvietnam, thì khả năng một tháng nhà máy ở giai đoạn đầu có thể chỉ cung cấp khoảng hơn 300 xe và sẽ được nâng dần lên để đáp ứng.
Giá lần lượt của 03 phiên bản Outlander lắp ráp tại Việt Nam
Quốc Huy/Autocar