Bất ngờ với góc văn hóa Việt tại Prague
Thủ đô của CH Czech nổi tiếng là thành phố cổ kính và thơ mộng bậc nhất châu Âu. Với du khách mới đến, sáu điều dưới đây của Prague có lẽ vừa mang vẻ thích thú lại đầy nét đặc biệt.
Biểu diễn đường phố ở quảng trường phố cổ
Quảng trường trung tâm của khu phố cổ luôn có 3 đến 4 nhóm biểu diễn âm nhạc, xiếc… Không ít trong số đó là những nghệ sĩ chuyên nghiệp và mang đến nhạc cụ, đạo cụ đầy đủ. Đây là hoạt động nghệ thuật chính thu hút khách du lịch ở trung tâm thành phố.
Quảng trường phố cổ Prague được bao trọn bằng các tòa nhà xưa với kiến trúc gothic, baroque, tạo một không gian thơ mộng để thưởng thức văn hóa. Nơi đây được lát đá cuội điển hình cho các quảng trường Trung Âu, và chỉ dành cho người đi bộ.
Du khách Hàn Quốc ở khắp nơi
Bạn sẽ nghe thấy tiếng Hàn Quốc cứ sau mỗi 5 phút ở trung tâm thành phố. Với người trẻ Hàn Quốc, Prague dường như được “huyền thoại hóa” là điểm đến hấp dẫn nhất châu Âu. Danh tiếng ấy có được là nhờ sự thành công của bộ phim truyền hình Hàn Quốc Người tình Prague, trình chiếu năm 2005.
Ở châu Âu, Prague là nơi duy nhất số du khách Hàn Quốc chiếm ưu thế so với người Trung Quốc, dù cộng đồng người Hàn Quốc ở đây chỉ có khoảng 2.000 người. Trong nhiều năm gần đây, Hàn Quốc luôn nằm trong top tăng trưởng cao nhất số lượng khách du lịch tới thăm Prague.
Các cửa hàng búp bê matryoshka
Matryoshka là một sáng tạo của Nga, nhưng lại đặc biệt phổ biến ở phố quà lưu niệm tại Prague. Không quá nhiều nhưng các cửa hàng này đủ để làm bạn hoa mắt với vô số búp bê màu sắc. Giá của chúng tất nhiên không hề rẻ. Một bộ matryoshka 5 con có giá 25,5 euro (gần 700.000 đồng). Nổi bật nhất là những bộ matroyshka hình các ngôi sao hay câu lạc bộ thể thao nổi tiếng.
Đầu những năm 1990, Prague là một trong những thành phố lớn Đông Âu đầu tiên mở cửa cho du lịch thế giới. Do đó, khách du lịch đơn thuần mua mọi thứ quà đẹp đẽ nhất của Đông Âu mà không biết rằng matryoshka không phải là đặc trưng của Cộng hòa Czech.
Bức tường hòa bình Lennon
Bức tường mang đầy hình vẽ graffiti lấy cảm hứng từ huyền thoại âm nhạc John Lennon nằm ở khu Mala Strana. Vì ông từng sáng tác nhiều bài hát về hòa bình, các họa sĩ Czech đã trích dẫn các lời ca của ông và mô tả chúng lên trên bức tường này. Nó là biểu tượng cho một đất nước Czech hòa bình mới thành lập đầu những năm 1990.
Nhiều phần của các bức vẽ graffiti đã bị xóa hoặc vẽ đè lên trong hơn 20 năm qua. Hàng ngày, các nghệ sĩ đường phố vẫn thường biểu diễn guitar hoặc violin bên bức tường, hát các bài ca nổi tiếng của John Lennon và The Beatles. Tất nhiên, mật độ du khách tới đây cũng dày đặc như những bức vẽ trên tường.
Các hàng tạp hóa người Việt
Prague nổi tiếng với chợ Sapa, nhưng đó là ở ngoại thành. Tại trung tâm, bạn sẽ phải bất ngờ khi thấy rất nhiều hàng tạp hóa nhỏ do người Việt làm chủ. Phần lớn cửa hàng thuộc về người Việt Nam đã định cư từ lâu, nhưng cũng không ít hiệu hiện do người Việt thế hệ thứ 3 quản lý.
Các cửa hàng tạp hóa bán đa dạng đồ ăn, hoa quả… và thậm chí cả vé tàu điện. Nếu như các tiệm làm móng và quán ăn Việt vẫn “sống khỏe”, thì lúc này những hàng tạp hóa nhỏ đang phải chịu cạnh tranh từ chuỗi siêu thị, vốn hấp dẫn hơn với các du khách nước ngoài.
Người ăn xin có kỹ thuật
Cảnh ăn xin không hiếm gặp ở Prague. Điều đặc biệt là người ăn xin ở đây luôn có cách hành xử lịch sự. Đa phần họ luôn giữ tư thế quỳ gối, thậm chí gập người sát đất và chìa mũ xin tiền. Họ thường không lên tiếng mà chỉ lặng lẽ chờ đợi người qua đường rút ví. Kĩ thuật này khác xa với cách ăn xin bất cần ở đa số nước khác.
Người ăn xin tại Prague khá trẻ và ăn mặc rất đàng hoàng. Họ không có vẻ gì là đang gặp khó khăn. Do đó đã có nhiều lời khẳng định họ nằm trong các băng nhóm ăn xin chuyên nghiệp. Thỉnh thoảng, bạn sẽ thấy họ dẫn theo một chú chó có vẻ mặt lờ đờ để chạm vào lòng thương của người đi đường.
HOÀI SA