Có ai dám đến vùng đất ấm Crimea?
Chuyến du lịch đến Nga của tôi vào mùa thu 2016 được sắp xếp bởi một người em đang học tại Moscow và hình dung về Crimea trước đó với tôi gần như là con số 0 ngoài những thông tin về sự bất ổn của vùng đất này. Mãi gần tới ngày đi, tôi mới bắt đầu tìm hiểu về Crimea.
Chuyến bay của chúng tôi bắt đầu từ sân bay của thành phố Saint Petersburg đến sân bay trung tâm của Crimea là Simferopol mất hơn 3 giờ đồng hồ. Từ Moscow, hằng ngày vẫn có nhiều chuyến bay đến với Crimea. Một lựa chọn khác cho việc di chuyển là đi xe ô tô.
Tuy nhiên, hiện giờ, nếu đi đường bộ, phải ngang qua lãnh thổ Ukraine và khá bất tiện. Và phía Nga đang nỗ lực hoàn thành cây cầu nối phần đất liền của Nga với bán đảo Crimea, bất chấp rất nhiều khó khăn, trở ngại từ lúc bắt tay thực hiện dự án, nhằm đưa vùng đất tuyệt đẹp này đến gần hơn với khách du lịch nội địa Nga.
Ấn tượng đầu tiên là sự yên bình ở nơi đây, khác hẳn với những thông tin tôi đã xem từ các phương tiện truyền thông và cả những lời “cảnh báo” của bạn bè, đặc biệt là những người bạn Nga.
Tại Crimea, có 2 khu vực có thể lưu trú là khu cảng biển quân sự Sevastopol – nổi tiếng với hạm đội Biển Đen và thành phố biển Yalta, vốn được biết đến nhiều với Hội nghị Yalta nhằm tổ chức lại trật tự thế giới sau Thế chiến thứ 2. Và chúng tôi đã chọn Yalta, sau khi tham khảo nhiều ý kiến bình luận.
Từ sân bay Simferopol đến trung tâm Yalta mất gần 100 km, qua nhiều cung đường đèo dốc khúc khuỷu. Giá taxi ở đây có thể xem là rẻ nhất nhì những nơi tôi đã từng đi qua. Với hành trình gần 100 km ấy, chúng tôi chỉ mất chưa tới 600.000 đồng (1.600 rúp – tỷ giá tháng 9.2016). Điều đặc biệt là đại đa số tài xế taxi ở đây mặc quần đùi, rất nhiệt tình, dù hạn chế trong việc giao tiếp tiếng Anh. Thậm chí, anh tài xế chở chúng tôi từ Yalta trở lại sân bay còn giảm tiền xe nữa.
Cũng như các vùng khác trên lãnh thổ Nga, do chịu ảnh hưởng bởi sự mất giá của đồng rúp nên giá khách sạn tại Crimea rất rẻ, không chênh lệch bao nhiêu so với giá khách sạn tại VN. Có nhiều phương án về lưu trú để khách du lịch chọn lựa, từ khách sạn giá rẻ, các khu căn hộ cho thuê đến các khách sạn sang trọng. Nơi chúng tôi lưu trú là một căn hộ với đầy đủ tiện nghi nằm sát ngay bãi biển, dù không gần trung tâm mấy.
Những ngày chúng tôi lưu lại Yalta, thời tiết đẹp tuyệt vời, với nắng ấm, trời trong xanh và cao vời vợi, khác hẳn bầu trời xám xịt và gió lạnh của Moscow và Saint Petersburg.
Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi là lâu đài Tổ Yến (Swallow’s Nest). Nằm trên đỉnh vách núi Aurora, hiên ngang vươn vai ra bờ biển Đen, tòa lâu đài như một nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ. Đặc biệt, vào những ngày trời xanh, bóng tòa lâu đài soi rọi vào tận đáy biển, mang đến một mảng màu lục bích, tạo nên một bức tranh tuyệt vời. Và hoàn toàn dễ hiểu, tại sao lâu đài Tổ Yến được xếp vào 1 trong 10 lâu đài đẹp nhất châu Âu.
Điểm đến tiếp theo là đỉnh núi Ai-Petri, được xem là một kỳ quan bí ẩn của thế giới. Để đến được khu vực chân núi, từ lâu đài Tổ Yến, chúng tôi chỉ mất vài phút đi bộ. Không phải chờ lâu, một dãy núi đồ sộ với những hình thù kỳ quặc hiện ra trước mắt. Chúng tôi chọn phương án đi cáp treo để có thể quan sát rõ được toàn khu vực. Ngay tại chân núi, bạn có thể được chèo kéo, giới thiệu các tour lên núi bằng đường mòn hoặc bằng các loại xe đặc chủng. Nếu muốn thử cảm giác mạnh và dư dả thời gian thì phương án đi xe là một quyết định phù hợp và giá cũng tương đương với đi cáp treo.
Bỏ lại sau lưng những rừng cây bạt ngàn, những đồi nho ngút mắt, Ai-Petri hiện ra như một chốn bồng lai với những mây và mây. Có thể tạm chia Ai-Petri thành 2 khu: khu bình nguyên và khu cheo leo. Ở khu bình nguyên, tôi như có cảm giác lạc vào những bộ lạc ở thảo nguyên Mông Cổ, xa xa là những đàn ngựa nhởn nhơ gặm cỏ. Tại đây có rất nhiều hàng quán. Các món nướng thơm nức mũi, các loại kẹo đậu phộng nhìn hấp dẫn vô cùng và đây đó là vô số các gian hàng bán trang phục mùa lạnh. Chúng tôi chọn một nhà hàng ngoài trời, có view nhìn ra toàn cảnh. Nhấm nháp mấy xiên thịt nướng, kèm cơm gạo dẻo, thêm ly bia giữa tiết trời se se trên đỉnh núi mây thật vô cùng thú vị. Sau bữa trưa no bụng, chúng tôi đi bộ dọc theo lối đường mòn, đến rìa của đỉnh núi, nơi có thể thả tầm mắt ra toàn khu. Thật may mắn, khi gió đã thổi mây dồn về một phía, dành cho chúng tôi một khoảng trống tuyệt vời. Phía xa kia là những du khách mạo hiểm nhất khi chọn cung đường đến cây cầu gỗ, dẫn tới đỉnh cao nhất của Ai-Petri. Hòa vào thiên nhiên, con người thật bé nhỏ, như những chấm li ti trong một bức tranh khổng lồ.
Những điểm đến tiếp theo của chúng tôi là vườn bách thảo Nikitsky với nhiều giống cây từ các vùng đất trên thế giới; cung điện Vorontsov, một trong những cung điện lâu đời nhất tại bán đảo Crimea; cung điện Massandra theo phong cách Pháp; công ty rượu nho Massandra… Vì thời gian không cho phép và một phần do các điểm du lịch tại Crimea nằm cách xa nhau nên chúng tôi đã bỏ qua một số thắng cảnh ấn tượng tại đây, như: Hồ Muối Koyashskoye với tinh thể muối màu hồng đỏ như máu và lớp bùn có thể trị bệnh; pháo đài Genoese xây dựng hơn 600 năm trước; nhà thờ Foros; lâu đài Bakhchisaray hay cung điện của các Khan, là tòa lâu đài duy nhất mang phong cách kiến trúc Tatar; và cả cánh đồng hoa oải hương đẹp không thua gì cảnh của miền nam nước Pháp…
Chuyến đi 4 ngày đến vùng đất ấm – Crimea kết thúc mà đâu đó trong tâm trí của tôi, bên cạnh những thắng cảnh tuyệt đẹp vẫn còn đọng mãi tiếng cười giòn tan của người dân tại đây, bất chấp những tranh chấp, những khó khăn trong cuộc sống. Họ, dù hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng vẫn thật gần gũi, thân thiện. Và chính họ đã cho thấy một sức sống mãnh liệt của con người, dù có đối mặt với bất cứ hoàn cảnh nào.
Không chắc là sẽ có cơ hội quay lại, nhưng Crimea chắc chắn là một trong những điểm đến thú vị nhất trong những chuyến hành trình rong ruổi của tôi.
Bảo Giang