Đón mùa lễ hội tại xứ mặt trời mọc
Tháng 12 được xem là mùa lễ hội ở Nhật Bản và cũng là tháng được người dân Nhật bản mong chờ nhất. Không khí sôi động của lễ hội bao phủ toàn đất nước mặt trời mọc thu hút không ít du khách đến đây tham gia.
CHICHIBU YOMATSURI
Đây là một trong ba lễ hội rước kiệu lớn nhất của Nhật Bản. Kiệu được trang trí lộng lẫy với đèn lồng, khăn thêu cùng những chi tiết được chạm khắc gỗ mạ vàng, có kèm theo âm nhạc chơi bằng trống và sáo. Hoạt động chính của lễ hội là buổi diễu hành của những chiếc kiệu này, diễn ra vào chiều tối ngày 3/12. Sáu chiếc kiệu tượng trưng cho sáu vị thần bảo trợ được kéo từ các con phố, tới quảng trường thành phố lúc 7h; đó cũng là lúc du khách được chiêm ngưỡng màn đẹp nhất của lễ hội khi pháo hoa được bắn rực rỡ khắp trời.
AKO GISHI-SAI
Đến dự lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào dòng người tham gia diễu hành: nam trong trang phục samurai và nữ trong trang phục kimono truyền thống. Các diễn viên Nhật cũng sẽ diễn lại màn kịch tự sát nổi tiếng đã đi sâu vào tiềm thức của người dân xứ sở hoa anh đào. Đây là một thời điểm lý tưởng cho những người thích tìm hiểu nền văn hóa độc đáo của đất nước Nhật Bản xa xôi.
HAGOITA-ICHI
Đặc biệt là khi tham quan cac gian hàng tại đây, bạn sẽ được ngắm những chiếc vợt gỗ được biến tấu thành nhiều hình dạng khác nhau, màu sắc sặc sỡ hay các đồ vật may mắn độc đáo dùng trang trí tết. Cũng có truyền thuyết cho rằng nếu cặp đôi nào có thể dắt tay nhau đi hết hội chợ Hagoita-Ichi thì sẽ bên nhau dài lâu.
KASUGA WAKAMIYA ON-MATSURI
Kasuga Wakamiya On-Matsuri kéo dài trong 4 ngày,lễ hội chính diễn ra vào ngày 17. Du khách đến đây có thể thưởng thức biểu diễn Kasuga, các điệu múa truyền thống và bugaku (âm nhạc truyền thống Nhật Bản), được xem như một loại hình Di sản văn hóa dân ca của chính phủ Nhật Bản. Một trong những sự kiện nổi bật nữa là “Jidai Gyoretsu”, khoảng 500 người tình nguyện diện những bộ trang phục truyền thống tái hiện những thời kỳ thành công từ Heian (thế kỷ thứ 9) đến thời Edo (thế kỷ 19).