Người tham giao giao thông có thấy xấu hổ khi vi phạm luật ?
Đối với người tham gia giao thông tại Việt Nam, chuyện đi sai luật và bị CSGT bắt là xui xẻo. Vì vậy tình trạng lách luật giao thông và nếu xui xẻo bị bắt thì chính những người đó cũng không biết họ đang làm sai.
Tôi đọc bài viết “Người Việt có thấy xấu hổ khi vi phạm luật giao thông?” thì thấy về cơ bản, hầu hết những người không biết xấu hổ thường không hiểu biết luật giao thông và khi họ không thấy mình không sai thì sao phải xấu hổ. Khi có chuyện xảy ra họ cho rằng “xui”.
Hôm trước, tôi lái xe trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM). Một ông chơi trò “khôn vặt” ép xe máy chạy ở làn trong, đến chỗ bị xe phía trước cản đường, ông ý “cướp đường” quẹt vào xe tôi.
Tôi xuống xe chưa kịp nói gì thì được “Thánh phán” một câu: “Anh thấy tôi xi-nhan không?”.
Tôi đáp: “Anh chưa đọc Luật giao thông đường bộ đúng không?”.
Hôm khác, gặp một phụ nữ lái xe ngược chiều đâm vào một ông xe máy chạy đúng chiều trên đường Bạch Đằng (TP HCM) chỗ gần tiệm sách. Người lái xe máy thấy phụ nữ bị trầy xước nên ngỏ ý đi cùng vào bệnh viện bên đường để băng bó.
Xe thì nhờ bảo vệ trông giùm. Nhưng người phụ nữ nhất định đòi bồi thường với lý do: “Tôi nhìn thấy anh rồi nhé… Tôi nhìn thấy anh không nhìn tôi”.
Rõ ràng người phụ nữ không hiểu luật, đi ngược chiều, vi phạm luật giao thông, gây tai nạn, lại vô cùng tự tin “bắt chẹt” người đi đúng.
Còn rất nhiều trường hợp như thế xảy ra hàng ngày, hoặc nhiều trường hợp không biết luật vi mà phạm giao thông “chẳng may” gặp CSGT lại cứ nghĩ mình “không may” chứ không phải “làm sai”.
Chuyện xui là chuyện trên trời rơi xuống, không phải do chủ đích của mình. Như vậy phần đông người Việt đang nghĩ bị CSGT thổi phạt là chuyện đen đủi chứ không phải mình có lỗi. Cơ sự này xuất phát từ việc người tham gia giao thông không được trang bị đầy đủ kiến thức và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và việc thi hành chưa hiệu quả.
Coi là chuyện xui cũng được, vậy người Việt hãy tranh chuyện xui này, bằng cách nắm rõ luật giao thông, thế là xong.