Những câu lạc bộ bước ra từ cộng đồng mạng
70 chiếc ô tô nối đuôi trên đường, thỉnh thoảng mọi người lại í ới hỏi thăm nhau bằng bộ đàm, cho đến khi có tiếng nhắc nhở “Các bác cẩn thận, phía trước có ổ gà!”, không khí mới yên ắng và lập tức các bác tài giảm tốc độ.
Đó là câu chuyện trong chuyến du lịch bằng xe ô tô cá nhân do các thành viên diễn đàn Việt Caravan tổ chức. Anh Trần Thái Ngọc Duy, người sáng lập diễn đàn cho biết, xuất phát từ một nhóm anh em ở Sài Gòn có sở thích đi du lịch bằng xe tự lái, sau vài chuyến đi chơi chung, thấy vui thích và để lại ấn tượng tốt nên mọi người lập nên website Vietcaravan.com để trao đổi thông tin, chia sẻ cảm nhận cũng như lên kế hoạch cho các chuyến du lịch “bỏ túi” tiếp theo.
Những chuyến du lịch với hàng chục chiếc ô tô nối đuôi nhau của hội Việt Caravan. Ảnh: Thi Ngoan. |
Gặp nhau trên mạng, khác nhau về tuổi tác, địa bàn sinh sống, song các thành viên caravan thân nhau như gia đình nhờ những buổi thảo luận, chia sẻ, hay “chém gió” về những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, các gia đình của thành viên hội lại gặp nhau và lên kế hoạch cho những chuyến du lịch Đà Lạt, Mũi Né hoặc sang Thái Lan, Campuchia, Lào…
Là một diễn đàn phi lợi nhuận nên Vietcaravan nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người thích loại hình du lịch “bỏ túi” này. Sau hơn 3 năm, hội đã có hơn 7.000 thành viên đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước và Việt kiều ở Anh, Australia, Mỹ…
“Admin” Ngọc Duy cho biết, hình thức du lịch caravan đã có từ rất lâu trên thế giới, song nó vẫn còn khá mới mẻ với người Việt. “Các chuyến đi hoàn toàn phi lợi nhuận nhưng được tổ chức rất nghiêm túc. Tham gia hành trình này mọi người đều được tự mình cầm lái và chủ động tổ chức các hình thức vui chơi, giải trí, lựa chọn điểm dừng chân, nghỉ ngơi tại bất kỳ địa điểm yêu thích nào”, anh nói.
Bên cạnh đó, trong mỗi chuyến đi đến những vùng sâu, vùng xa, đến thăm các cụ già neo đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật…, các thành viên cũng quyên góp quỹ để xây nhà tình thương, giúp vốn, tặng nhu yếu phẩm cho họ, trong đó có cả những chuyến đi từ thiện quy mô lớn như cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt miền Trung.
Các thành viên diễn đàn tặng nhà tình thương và giúp vốn làm ăn cho gia đình hai già cụ neo đơn tại huyện Cần Giờ (TP HCM) nhân dịp sinh nhật lần 3 của hội. Ảnh: Thi Ngoan. |
Cũng “bước ra” từ face book, các thành viên Hội cổ động viên của Liverpool tại Sài Gòn (L.S.T.S) chủ yếu là các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X đang sinh sống và làm việc tại TP HCM. Họ gặp nhau ở điểm chung là tình yêu với đội bóng Liverpool vốn được mệnh danh là “vua đấu cup” với lối chơi đẹp mắt và tinh thần đồng đội luôn được đặt lên hàng đầu.
Thường vào cuối tuần, các thành viên của hội lại gặp nhau, tổ chức các buổi thi đấu thể thao, game show, ăn uống vui chơi hoặc đến thăm hỏi các thành viên gặp khó khăn. Nhất là vào mùa giải có đội bóng Liverpool, các bạn trẻ này lại rủ nhau cùng theo dõi trận đấu và cổ vũ cho thần tượng của mình.
Nhóm còn tổ chức chuyến đi thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ các em trẻ mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc da cam ở Đồng Nai.
Phúc Pacheco, thành viên ban điều hành, phụ trách mảng hình ảnh, nội dung diễn đàn của hội cho biết, sau hơn 2 tháng thành lập, hội đã có trên 150 thành viên, chủ yếu là các fan hâm mộ của Liverpool. Ngoài ra họ còn mời gọi bạn bè, người thân, vợ chồng tham gia cùng.
“Thay vì trước đây xem đá bóng hay làm gì cũng lủi thủi một mình, giờ có thêm nhiều bạn bè, người thân cùng tham gia, vui hơn nhiều”, Phúc dí dỏm kể.
Trang diễn đàn của các thành viên L.S.T.S. |
Có cái tên khá lạ, “hội ve chai cổ” là tổ chức của những người thích sưu tầm đồ vật cũ, từ chiếc ôtô cổ, xe vespa, xe đạp, hộp quẹt zippo, con tem hay dây giầy cũ. Gặp nhau trên diễn đàn vechaisaigom.com, và offline tại “đại bản doanh” là quán cà phê Cao Minh (Bình Thạnh, TP HCM), các thành viên hội có dịp “khoe” với nhau về những món đồ cổ mình có cũng như được chiêm ngưỡng “tài sản” của bạn bè cho thỏa nhãn quan.
Anh Trần Khắc Dũng, chủ nhân diễn đàn cho biết, từ nhỏ anh đã có thói quen giữ gìn các vật kỷ niệm, từ chiếc đèn bão, quẹt zippo, xe đạp cũ đến những bản nhạc Trịnh. Sau những chuyến đi sưu tầm đồ cổ, anh vô tình gặp được những người bạn có chung sở thích, thế là mọi người lập nên một diễn đàn để chia sẻ thông tin, giao lưu, học hỏi và tổ chức những cuộc gặp gỡ, liên hoan, làm từ thiện…
Đánh giá hoạt động của các đội nhóm hiện nay, Thạc sĩ Giáo dục Phạm Phúc Thịnh, Chuyên viên tư vấn Trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc cho rằng, việc tham gia vào một tổ chức đội nhóm là nhu cầu từ thuở sơ khai của con người. Nhất là thời, nay nhờ Internet mà người ta xích lại gần nhau hơn, không còn bị phụ thuộc vào không gian hay thời gian. “Thế giới thực sự trở nên như một ngôi làng”, ông nhìn nhận.
Theo ông Thịnh, sự ra đời của các nhóm, câu lạc bộ gồm những người có chung sở thích hay mục đích hướng thiện thì cần được khuyến khích. Bởi từ khi tham gia đoàn hội, người ta có thể tìm được tiếng nói chung, thỏa mãn niềm đam mê, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng làm việc đội nhóm, cách tổ chức, lãnh đạo hay cùng nhau làm việc từ thiện… đó là nhu cầu chính đáng.
“Tuy nhiên để các đoàn hội này phát triển bền vững và hiệu quả đòi hỏi những người lãnh đạo hội phải có tâm và có tầm. Nếu cách tổ chức tốt và các hoạt động phong phú, không nhàm chán thì tổ chức đó sẽ thu hút nhiều thành viên tham gia”.
Thi Ngoan