Tìm hiểu chi tiết các tính năng an toàn có trên xe ô-tô
Các mẫu xe đời mới trên thị trường hiện tại được trang bị đầy đủ các tính năng an toàn khác nhau. Nhưng để hiểu và sử dụng đúng cách, người dùng hãy trang bị cho bản thân những thông tin bổ ích dưới đây.
Nếu khách hàng đang muốn tìm mua một chiếc xe hơi, họ có thể được giới thiệu hàng loạt những tính năng an toàn công nghệ cao đời mới và chưa từng có mặt trên chiếc xe hiện tại của họ. Hầu như tất cả các hãng sản xuất ô tô đều cung cấp ít nhất một vài trong số những công nghệ đó, và thậm chí họ còn trang bị chúng như là những thiết bị tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, câu hỏi mà đa số khách hàng vẫn băn khoăn là liệu họ có thực sự cần đến những tính năng đó. Và nguyên lý hoạt động của chúng là như thế nào?
Trong một số trường hợp, các tính năng này có thể giúp bảo toàn tính mạng hành khách, đặc biệt là đối với những tài xế mới học lái hoặc lớn tuổi. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dùng cần phải hiểu một số những vấn đề liên quan đến các công nghệ này.
Thứ nhất, mặc dù có tên gọi giống nhau song không phải tất cả các hệ thống đều vận hành tương tự. Ví dụ, hệ thống cảnh báo va chạm phía trước của nhà sản xuất này có thể hoạt động tốt hơn hệ thống cùng chức năng do nhà sản xuất khác cung cấp.
Thứ hai, một hệ thống có thể tiên tiến hơn những hệ thống khác, chẳng hạn như chúng có thể kích hoạt chức năng ở vận tốc lớn hơn hoặc có thể lái thay tài xế.
Và cuối cùng, các công ty sẽ gọi một hệ thống tính năng nhất định theo thuật ngữ thích hợp với các chiến dịch marketing của họ. Hệ thống Pre-Collision System (Hệ thống phòng tránh va chạm) của Toyota và Collision Mitigation Braking System (Hệ thống phanh giảm nhẹ va chạm) của Honda về cơ bản giống với tính năng Low Speed Forward Automatic Braking (Phanh tự động ở tốc độ thấp) của GM.
Hãy xem xét một số các tính năng an toàn và hỗ trợ tài xế tiên tiến để xem hệ thống nào sẽ mang lại cho khách hàng các giá trị tối ưu.
Hệ thống cảnh báo va chạm trước
Hệ thống này có thể quét con đường phía trước và cảnh báo tài xế sử dụng đèn và còi báo hiệu. Nhiều hệ thống tiên tiến có thể phát hiện người đi bộ, người đi xe đạp hoặc động vật. Đây cũng là hệ thống phổ biến với nhiều phiên bản được phát triển bởi các hãng ô tô khác nhau.
Một số hệ thống chỉ hoạt động khi xe di chuyển với tốc độ thấp trong thành phố, một số hoạt động ở tất cả các mức vận tốc và số khác thì hoạt động dựa vào điều kiện nhất định của một trong hai tham số tốc độ (vận tốc chạy và vận tốc vòng quay) kết hợp với phanh khẩn cấp tự động (tham khảo phía dưới).
Các hệ thống cảnh báo va chạm phía trước thường sử dụng bộ cảm biến tương tự radar giống như trong hệ thống kiểm soát ga tự động. Thường thì hai hệ thống này sẽ được cung cấp trong cùng một gói tính năng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hệ thống cảnh báo va chạm phía trước thường được trang bị riêng rẽ.
Phanh khẩn cấp tự động
Với tính năng phanh khẩn cấp tự động, nếu tài xế không chú ý đến những cảnh báo âm thanh và hình ảnh về một mối nguy hiểm tiềm năng, chiếc xe sẽ tự động phanh xe lại. Tuy nhiên, khoảng tốc độ để hệ thống này có thể hoạt động phụ thuộc vào từng loại xe và từng phiên bản mà khách hàng chọn lựa.
Mặc dù vậy, trong bất cứ trường hợp nào chúng cũng được chứng minh là có đủ khả năng ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ va chạm.
Trợ lực phanh
Tính năng này phát hiện được tình huống tài xế cần dừng xe đột ngột và hỗ trợ họ bằng cách cung cấp thêm lực chống bó cứng để chiếc xe đứng lại hoàn toàn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết các tài xế không thể cung cấp đủ lực phanh đủ mạnh trong các tình huống phanh khẩn cấp. Chính vì thế, những hãng sản xuất xe hơi đã phải phát triển ra tính năng này nhằm ngăn chặn hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của một vụ tai nạn. Trợ lực phanh thường được cung cấp như một tính năng tiêu chuẩn.
Hệ thống cảnh báo điểm mù
Hệ thống cảnh báo điểm mù có nhiệm vụ theo dõi các điểm mù của tài xế và cảnh báo họ về sự xuất hiện của những chiếc xe khác thông qua các đèn trong cột A hoặc gương chiếu hậu. Nếu tài xế cố gắng thay đổi làn đường, đèn sẽ nhấp nháy hoặc chiếc xe sẽ phát ra âm thanh cảnh báo.
Một số hệ thống có thể lái chiếc xe quay trở lại làn cũ như là một phương án cuối cùng, mặc dù tính năng này thường đường liên kết với hệ thống hỗ trợ giữ làn (được mô tả phía dưới). Trong khi hệ thống cảnh báo va chạm trước và phanh tự động thường được thêm vào danh mục thiết bị tiêu chuẩn, hệ thống cảnh báo điểm mù lại gần như luôn luôn là tính năng tùy chọn.
Hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau
Hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau luôn luôn đi kèm với hệ thống cảnh báo điểm mù, nhằm cảnh báo cho tài xế về những phương tiện và những vật hoặc người đang di chuyển đến gần xe của họ từ hai bên và đăng sau. Về cơ bản, hệ thống này vô cùng hữu ích khi tài xế lái xe ra khỏi bãi đậu.
Hệ thống cảnh báo chệch làn đường
Hệ thống cảnh báo chệch làn đường sẽ được kích hoạt khi chiếc xe trôi ra khỏi làn và cảnh báo tài xế bằng một số cách như qua hệ thống âm thanh, bằng hình ảnh trên cụm đồng hồ hoặc cảnh báo rung trên vô lăng hay ghế ngồi.
Một số hệ thống có thể phát hiện khi tài xế sắp rời khởi đường hoàn toàn, cảnh báo họ và thực hiện một số hành động nhất định.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn
Hệ thống này chính là sự phát triển ở mức cao hơn của hệ thống cảnh báo chệch làn đường. Ngoài việc đưa ra một số cảnh báo cho tài xế, hệ thống hỗ trợ giữ làn sẽ lái chiếc xe vào giữa làn một cách nhẹ nhàng.
Thỉnh thoảng, những tính năng như thế này sẽ sử dụng phanh ở mức độ vừa phải để đạt được hiệu quả tương tự, tuy nhiên hệ thống lái sẽ được can thiệp thường xuyên hơn. Đây là một trong những hệ thống mà khả năng vận hành và chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào hãng sản xuất xe hơi.
Một số chiếc xe khá ấn tượng với khả năng giữ chiếc xe ở giữa làn một cách tự nhiên nhất, trong khi số khác lại khiến hành khách chênh vênh giữa những vạch kẻ làn hoặc can thiệp mạnh hơn mức cần thiết.
Hệ thống giám sát sự mất tập trung của tài xế
Hệ thống này giám sát tài xế theo nhiều cách khác nhau để phát hiện liệu họ có đang phân tâm quá mức hoặc buồn ngủ hay không. Chiếc xe có thể cảnh báo tài xế và khuyến nghị họ nên nghỉ ngơi.
Hệ thống thông báo tai nạn tự động
Hầu hết các hãng xe hơi hiện nay đang cung cấp hệ thống có chức năng kiểu như “viễn tin khẩn cấp”, bằng cách kết nối thông qua điện thoại thông minh của tài xế hoặc một cổng kết nối riêng biệt, chẳng hạn như GM OnStar hoặc Hyundai BlueLink.
Yếu tố then chốt của những hệ thống giao tiếp khẩn cấp này là tính năng thông báo va chạm tự động, có thể tự động gọi 911 khi túi khí trên xe bung ra. Hệ thống này giống như một người cứu hộ thực sự. Ngoài ra, các hãng xe hơi còn trang bị cho những hệ thốngthông báo tai nạn tự động một loại các nút gọi khẩn cấp và có thể khóa/mở khóa xe từ xa hoặc giúp xác định vị trí khi chiếc xe bị đánh cắp.
Đèn pha tự động
Khi chiếc xe cảm nhận trời đã đủ tối và không có phương tiện nào đang chuyển động đến gần, nó sẽ tự động kích hoạt đèn pha để cung cấp tầm nhìn trước mặt tốt nhất cho tài xế. Khi phát hiện có một phương tiện đang đến gần, hệ thống sẽ tự động tắt đèn pha.
Tính năng này thường được cung cấp cùng hệ thống cảnh báo va chạm phía trước trong một gói công nghệ an toàn toàn diện.
Túi khí
Các khách hàng mua xe ô tô về cơ bản đã am hiểu rõ túi khí là gì, nhưng có lẽ họ vẫn chưa hiểu hết liệu chiếc xe của họ cần có bao nhiêu chiếc?
Túi khí trước đặt trong vô lăng và bảng điều khiển, cũng giống như túi khí bên phía trước bảo vệ phần thân trên của hành khách là điều kiện bắt buộc do chính phủ quy định. Những túi khí này có thể được đặt ở cửa hoặc ghế ngồi. Gần như chắc chắc trên những chiếc xe có mui, túi khí bên sẽ rơi từ trần xe xuống để che cửa sổ và bảo vệ phần đầu hành khách.
Thông thường, các túi khí này sẽ bao phủ các hàng ghế ngồi, tuy nhiên vẫn tồn tại một vài ngoại lệ. Và điều này lại phụ thuộc phần lớn vào nhà sản xuất. Có những loại túi khí như: túi khí bên phía sau hoạt động giống như túi khí bên phía trước, túi khí bảo vệ đầu gối tài xế hoặc hành khách ghế trước, túi khí hông ở hai bên (Mercedes-Benz), túi khí bên ở giữa ngăn không cho hành khách va chạm với nhau (General Motors), túi khí dây an toàn (Ford) và túi khí dưới ghế ngồi hành khách phía trước để bảo vệ họ khỏi bị chèn dưới dây an toàn (Toyota).
Mặc dù khó tranh luận về tác dụng và vai trò của những túi khí phụ, nhưng điều quan trọng là khách hàng cần so sánh dữ liệu kiểm tra va chạm của những chiếc xe thuộc cùng phân khúc cứ không phải đơn giản ngồi đếm số lượng túi khí.