Trải nghiệm Jaguar F-Pace SUV
Chiếc SUV đầu tiên của Jaguar mang tên F-Pace nằm trong phân khúc hạng trung đã được chúng tôi trải nghiệm và có nhiều điều thú vị. Đây là mẫu xe có đối thủ trực tiếp là Porsche Cayenne, BMW X5, Maserati Levante, Lexus RX 350, GLE 400 4MATIC.
Tổng thể
Khi đưa ra quyết định thiết kế chiếc F-Pace, có lẽ Jaguar Land Rover đã rất đau đầu giải quyết bài toán làm sao chiếc SUV này đủ sức thiết lập được vị trí nhất định, trong hàng ngũ những chiếc đa dụng hạng sang để đối đầu với một đế chế hùng mạnh, đó là tập hợp một loạt chiếc SUV hạng sang của Đức.
Bên cạnh đó làm sao để chiếc xe mang phong thái riêng biệt, không lẫn lộn với những SUV của Land Rover để mở rộng thêm chọn lựa cho khách hàng chứ không phải đối đầu, hay làm suy giảm doanh số của những người anh em Land Rover của nó, mặc dù việc sử dụng một số ngôn ngữ và chi tiết chung là không tránh khỏi.
Và trên thực tế, khi chiếc xe hoàn chỉnh để mọi người có cơ hội trải nghiệm thì có thể thấy F-Pace đã thành công về mặt hình ảnh thiết kế và chất riêng. Không khó để nhận ra rằng, nó được lấy cảm hứng nhiều từ chiếc thể thao F-Type trong những đường nét thiết kế ngoại thất, và dĩ nhiên nó là một chiếc SUV có tố chất thể thao không chỉ trên đường trường, mà còn cả khả năng địa hình khi có khoảng sáng gầm tương đương New Discovery Sport và khả năng lội nước 525mm, đủ cho bạn di chuyển trong những địa hình xấu với dẫn động bốn bánh toàn phần.
Kích thước của chiếc xe cũng là lựa chọn khá khôn ngoan khi nằm giữa Macan và Cayenne vốn là hai mẫu SUV bán chạy và cũng có thể là mục tiêu để F-Pace vươn tới. F-Pace cũng có thế mạnh riêng khi sử dụng thân xe nhôm 80% nguyên khối, nhẹ hơn 80kg so với Macan. Tỉ lệ phân bổ trọng lượng của chiếc xe gần hoàn hảo ở mức 50:50 nhờ cấu trúc tấm nền có thành phần bằng thép cứng.
Bên trong nội thất
Phần nội thất của F-Pace mới là phần sử dụng nhiều ngôn ngữ chung đang áp dụng cho Jaguar Land Rover. Có thể bắt gặp sự tương đồng ở nhiều chi tiết: cụm vô-lăng và đồng hồ tốc độ, kiểu bố trí bệ trung tâm mới như của XF thế hệ 2. Trụ A có thiết kế giống với Jaguar XE và XF, chính vì thế từ vị trí ghế lái đôi khi bạn có cảm giác của một chiếc sedan, nếu như bạn quên đi vị trí ghế lái cao và không nhìn vào đôi chút thiết kế khác biệt ở phần táp-lô. Thiết kế vô-lăng kiểu ba chấu bắt mắt và tích hợp một loạt nút điểu khiển nhanh mang lại nhiều thuận tiện khi chạy.
Hệ thống chỉnh điện cho các kính cửa bố trí trên thành của cửa trước ghế lái, thực tế vẫn gây sự ngượng ngạo không quen như thông thường, dù tôi đã chạy thử trên New Discovery Sport và Evoque cũng có kiểu bố trí tương tự.
Bệ trung tâm có thiết kế cao, tạo ra một khoang ca-bin kép khá hấp dẫn nhưng lại đẹp mắt và thoáng, vì cần số đặc trưng của Jaguar Land Rover chỉ là núm tròn nhỏ thấp, hơn nữa nó cũng lợi hại làm điểm tựa tốt cho phần hông đùi phải khi chạy trong đường đèo núi với những góc cua gắt. Không có cửa sổ trời nhưng bù lại là hệ thống kính Panoramic toàn cảnh để lấy sáng khi cần thiết, và cũng là để những người ngồi trong xe hòa hợp hơn với thiên nhiên.
Hàng ghế thứ hai của F-Pace có khoảng để chân dư dả ngay cả cho những người cao ngoài 1.80m, bệ tì tay thiết kế đơn giản, có vùng điều hòa thứ hai chỉnh riêng cho từng vị trí, kèm với nguồn 12V và 02 cổng usb cung cấp nguồn 5V khi cần. Ghế sau cố định nhưng có tích hợp điều chỉnh góc ngả lưng ghế bằng điện thuận tiện.
Toàn bộ không gian khoang ca-bin là chất liệu da cao cấp bọc ghế có lỗ thông hơi, kết hợp với những chi tiết trang trí nhựa mạ kim loại nhôm nhìn sang trọng, riêng phần mép của bệ trung tâm đáng tiếc lại để chất liệu nhựa đen kém sang trọng thay vì ốp trang trí kiểu kim loại thường thấy trên những mẫu xe Jaguar hoặc Land Rover. Khoang ca-bin cũng được tích hợp led xung quanh có ánh sáng xanh nhẹ tạo thêm cảm xúc khi di chuyển vào ban đêm. Khoang hành lý của xe đạt 650 lít và khi gập hàng ghế sau thành 1.740 lít.
Trang bị
Tại Việt Nam thì Jaguar Land Rover chỉ đưa về loại F-Pace trang bị động cơ siêu nạp V6 3.0L có công suất 340 mã lực kết hợp hộp số tự động 8 cấp, và chia ra làm 4 phiên bản khác nhau chủ yếu về gói trang bị cá nhân hóa gồm (Bản Pure, Prestige, R-Sport, Portfolio). Trong lần trải nghiệm này thì người viết trải nghiệm trên bản Prestige có giá bán khoảng 3,848 tỷ cao hơn bản cơ bản Pure có giá 3,594 tỷ.
Về trang bị nói chung của những chiếc SUV hạng sang phong phú hẳn, đối với F-Pace cũng thế chúng tôi không thể liệt kê hơn 50 danh mục trang bị cho chiếc xe, ở đây chỉ đề cập đến những phần đáng chú ý như: Hệ thống kiểm soát hành trình và Giới hạn tốc độ,Hệ thống kiểm soát quá trình trên mọi bề mặt (ASPC), Điều chỉnh mô men xoắn khi vào cua, Ghế trước chỉnh điện 10 hướng có nhớ, Ốp gỗ Gloss Black , Gương chiếu hậu trong xe chống chói tự động, Điều hòa không khí hai vùng, Hệ thống âm thanh Meridian 11 loa (bao gồm loa subwoofer) công suất 380W, Hệ thống định vị dẫn đường InControl™ Touch (SD) Navigation , Cảm biến hỗ trợ đậu xe phía sau, Cảm biến hỗ trợ đậu xe phía trước, Hệ thống cân bằng điện tử DSC & Kiểm soát lực kéo TC, Báo động ngoại vi và chống trộm xe, Các túi khí – cho tài xế và bên phụ lái có cảm biến người ngồi cho ghế hành khách, Các túi khí – bên hông phía trước, Túi khí – rèm che suốt cửa sổ hông xe.
Vận hành
Jaguar F-Pace bố trí nút khởi động khá thuận tiện ngay tầm tay để khởi động, hành trình thử xe cho quãng đường khoảng 700km đi và về cũng đủ để đưa ra những đánh giá ban đầu về chiếc xe. Cảm nhận đầu tiên là bộ ghế lái của chiếc xe khá chất lượng cho những người thích cảm giác định vị và ngồi chặt lưng, khi chạy ở dải tốc độ bình thường <80km/h với chế độ lái thông thường thì chiếc xe có cách âm khá tốt, vô-lăng kiểu trợ lực điện cho cảm giác dễ chịu nhưng vẫn chắc.
Khối động cơ 340 mã lực kết hợp hộp số 8 cấp tăng tốc mượt mà khi chạy ở chế độ bình thường thì không khác mấy so những chiếc SUV hiệu suất cao như Macan GTS chẳng hạn, nhưng khi chạy ở tốc độ cao và nạp ga mạnh thì có sự khác biệt chút ít ở giây đầu tiên, về khả năng đáp ứng thì điều này cũng dễ hiểu khi động cơ siêu nạp của F-Pace đạt mô-men xoắn cực đại 450 Nm ở dải 4500/phút nên lúc này gia tốc của xe mới thể hiện đáng kinh ngạc, đây cũng là lợi thế của động cơ siêu nạp khi ở dải vòng tua cao, trong khi đó so với động cơ tăng áp thì có dải mô-men xoắn cực đại rộng nên động cơ đáp ứng sớm hơn một chút nhưng cũng chỉ tính bằng 1/giây. Thật sự thì khó có thể đưa ra nhận định loại nào ưu việt hơn khi còn có nhiều công nghệ và chương trình quản lí của máy tính để đưa hiệu suất động cơ tối ưu ở từng thời điểm.
Đặc tính cấu tạo truyền động của dòng F Jaguar với hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian khi ở chế độ bình thường, thì lực truyền từ động cơ ra chủ yếu tập trung vào hai bánh sau, chỉ khi có biểu hiện bị trượt bánh thì 50% lực sẽ được đưa ra bánh trước, đặc điểm này cũng giúp cho F-Pace luôn sung sức trên đường trường và cũng một phần giảm bớt hao hụt công suất tại những bánh xe và cả tiết kiệm nhiên liệu nữa.
Hệ thống treo tích hợp trên F-Pace cũng được kế thừa từ chiếc thể thao coupe F-Type với tay đòn kép chữ A cho hệ thống treo trước và thanh nối nguyên khối cho hệ thống treo sau, hệ thống treo này có khả năng tối ưu hấp thụ chấn động, và tôi thật sự ấn tượng khi chiếc xe đi qua những điểm mấp mô, nó không nảy xóc cứng kiểu những chiếc thể thao mà cũng không bồng bềnh, chỉ là những tiếng bịch bịch chắc nịch rất khó kiếm trên những chiếc SUV hạng sang mà tôi từng chạy thử. Hệ thống treo này kết hợp công nghệ điều chỉnh mô-men xoắn khi vào cua khiến cho việc chạy trên các con đèo biến thành đoạn đường mà tôi thích nhất khi trải nghiệm F-Pace, đặc biệt khi chuyển sang chạy chế độ thể thao để leo đèo hoặc chủ động dùng lẫy số trên vô-lăng để kiểm soát tốc độ xe khi đổ đèo.
Tôi chưa cảm nhận được sự khác nhau nhiều giữa chế độ S thể thao trên cần số và chế độ Racing trên bệ trung tâm, cả hai chế độ đều khiến chiếc xe qua trạng thái sung mãn và nhạy hơn khi nạp ga, chỉ có điều khi chuyển qua Racing thì vòng tua máy sẽ cao hơn một chút so với vòng tua máy khi chạy S. Chất thể thao của chiếc xe thực sự bộc lộ hết khi chạy hai chế độ này, khoang ca-bin không còn yên tĩnh nữa mà là những âm thanh của ống xả có thể nghe rõ mỗi khi nạp ga. Vô-lăng của xe chặt hơn và cực kỳ chính xác mỗi khi thực hiện chuyển làn nhanh nhạy. Tỉ lệ phân bổ trọng lượng gần như 50:50 khiến cho F-Pace dễ dàng cho bạn quăng quật đánh lái nó trong những khúc cua gắt và hưởng trọn hương vị chính xác và ổn định mỗi lần vào và thoát cua ở tốc độ cao hơn bình thường. Hộp số 8 cấp tạo cho chiếc xe chuyển số mượt mà ít khi nhận ra, tuy nhiên cũng phải nói thêm hộp số này khá thông minh và trả số rất nhanh để luôn tạo động lực đầu ra tốt hơn mỗi khi nó đọc được động tác của chân ga. Thêm nữa xe cũng có chế độ chạy tuyết, chạy tiết kiệm nhiên liệu nhưng có lẽ không sử dụng nhiều.
F-Pace khi di chuyển vào ban đêm cũng cho một cảm giác lái an toàn cao khi được hỗ trợ từ hệ thống đèn pha LED, hệ thống này là tập hợp các bóng xenon chiếu theo phương thẳng đứng từ trên xuống, tia sáng được bẻ góc bởi chóa đèn chrome để hướng ra phía trước, mỗi bóng bóng dường như đảm đương một góc chiếu, bên cạnh đó có thêm một hệ thống pha được tích hợp trong đèn pha tự động bật hỗ trợ mở rộng góc chiếu khi vào cua khá thông minh.
Nhận định
F-Pace thành công về mặt hình ảnh thiết kế và cả chất riêng khi chạy so với những chiếc SUV của Land Rover, điều này khiến chiếc xe trở nên thú vị hơn ngay cả đối với những người đang là khách hàng trung thành của JLR muốn tìm hương vị mới. Trong một chừng mực nào đó thì F-Pace làm được cái chất riêng, đó là sự điềm đạm tinh tế của một bậc quý tộc khi lái bình thường và cũng bùng nổ mãnh liệt khi cần thể hiện sức mạnh trên đường bằng sự cảm nhận của tất cả các giác quan. Tôi đánh giá rất cao niềm vui và sự phấn khích khi lái chiếc xe này, đó là tố chất quan trọng để bạn không cảm thấy nhàm chán khi gắn bó với một chiếc xe. Một điểm nữa sẽ khiến mẫu xe hoàn hảo, đó là tăng thêm sự lung linh sang trọng bóng bẩy ở những chi tiết trang trí, nhựa trong khoang ca-bin.
Thêm hình chi tiết
Autocar