WLTP và RDE là gì?
WLTP tạm dịch là Quy trình kiểm tra đồng bộ dành cho xe hạng nhẹ toàn cầu trong khi RDE tạm dịch là phát thải vận hành thực tế để bổ sung cho WLTP.
Nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường sống, các tiêu chuẩn khí thải đã được đưa ra và liên tục cập nhật để từng bước giảm thiểu lượng phát thải từ các phương tiện giao thông. Dựa trên những tiêu chuẩn này, các quy định về mức khí thải đã được ban hành. Theo đó các nhà sản xuất xe hơi sẽ phải liên tục nỗ lực để tạo ra những chiếc xe xanh sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trên. Chúng sẽ được tiến hành kiểm tra trước khi tới tay người tiêu dùng. Trên thực tế, những quy chuẩn này không quá khó khăn để có thể đạt được.
Hiện tại, mới chỉ có một vài phương pháp để kiểm tra mức khí thải của động cơ, được tiến hành trong phòng thí nghiệm hoặc trong điều kiện thực tế trên đường phố. Cho đến nay, vẫn chưa có một tiêu chuẩn chung trên toàn cầu. Nếu như châu Âu dưa vào NEDC thì tại khu vực Bắc Mỹ, giới chức lại sử dụng quy trình kiểm tra liên bang (FTP) EPA.
Thời gian gần đây, một quy trình kiểm tra mới mang tên khá dài dòng là ‘Worldwide Harmonised Light Vehicle Test Procedure’ (WLTP), tạm dịch là Quy trình kiểm tra đồng bộ dành cho xe hạng nhẹ toàn cầu. Về mặt lý thuyết, đây có thể coi là bài đánh giá hàm lượng khí thải đầu tiên có thể áp dụng trên toàn thế giới. WLTP được xây dựng nhằm tạo nên bộ công cụ so sánh thống nhất về các giá trị như lượng phát thải CO2 hay các chất gây ô nhiễm và mức tiêu hao nhiên liệu của xe hơi tại những khu vực khác nhau.
Tại châu Âu, WLTP đã bắt đầu thay thế cho NEDC từ năm ngoái. Quy trình này gồm 4 phần được thực hiện ở 4 dải tốc độ khác nhau: thấp, trung bình, cao và siêu cao. Trong mỗi phần, chiếc xe sẽ phải thực hiện hàng loạt thao tác di chuyển, bao gồm dừng, phanh và tăng tốc. WLTP sẽ được áp dụng đối với mọi model bắt đầu rời dây chuyền sản xuất, từ phiên bản nhẹ nhất cho tới nặng nhất. Những chiếc xe sẽ được chia làm 3 nhóm, phụ thuộc vào tỷ lệ công suất/trọng lượng.
WLTP thiết lập nên các quy tắc quản lý những điều kiện về kiểm tra đo lường và chống chuyển động. Khả năng sang số, trọng lượng xe, chất lượng nhiên liệu, nhiệt độ xung quanh, loại lốp và áp suất lốp cũng sẽ được đánh giá. Khi một chiếc xe được tiến hành kiểm tra, nó sẽ được đánh giá theo các tiêu chí sau: mức tiêu thụ nhiên liệu, lượng phát thải CO2, phát thải ô nhiễm và mức tiêu hao năng lượng đối với nhiều loại hệ thống động lực khác nhau.
Hai giá trị đầu tiên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Lượng CO2 thải ra từ một động cơ đang vận hành sẽ liên quan trực tiếp với nhượng nhiên liệu được đốt cháy. 1g CO2 được thải ra tương ứng với 0,043 lít nhiên liệu được đốt cháy trên 100km. Điều đó có nghĩa là một chiếc xe với mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 5,17 lít/100km (54mpg-dặm/gallon) sẽ thải vào không khí 120g CO2.
WLTP là một bài kiểm tra được thực hiện trong phòng thí nghiệm, tuy đáng tin cậy hơn NEDC nhưng vẫn không thể xác định chính xác lượng phát thải trong điều kiện thực tế. Vì vậy, các hãng sản xuất cùng với những nhà quản lý sẽ cần tới quy trình kiểm tra Real Driving Emissions (RDE), tạm dịch là phát thải vận hành thực tế để bổ sung cho WLTP.
RDE sẽ bắt đầu được triển khai tại châu Âu trong năm nay. Hiện vẫn chưa rõ thời gian cụ thể và khu vực nào sẽ đón nhận nó sau EU. Vào tháng 9 năm ngoái, bước đầu tiên của RDE bắt đầu có hiệu lực, trong đó yêu cầu mọi chiếc xe mới phải đạt mức NOx tối đa là 2,1. Tiếp đó, bước thứ 2 với mức NOx tối đa là 1,0 cộng với sai số cho phép là 0,5 sẽ được áp dụng từ năm 2020.
Mức phát thải NOx tối đa được gọi là những tác nhân phù hợp. Khi lượng phát thải NOx trong thực tế vượt qua mức giới hạn theo tiêu chuẩn EU6, đây sẽ là một cái barrier cho sự ‘vươt rào’ đó (vượt qua trong ngưỡng cho phép). Mục tiêu của RDE là thử nghiệm chiếc xe trong điều kiện đường sá thực tế với nhiều tình huống khác nhau.
Bằng các thiết bị đặc biệt được tích hợp bên trong và ngoài xe (hệ thống đo đạc phát thải cầm tay PEMS), các chuyên gia có thể chắc chắn rằng hàm lượng chất gây ô nhiễm và CO2 không vượt quá các giới hạn cho phép trong những điều kiện sau: vị trí thấp và cao so với mực nước biển; các mức nhiệt khác nhau trong năm; phụ tải; leo và đổ đèo; chạy ở tốc độ thấp trong thành phố; chạy ở tốc độ trung bình ở đường nông thôn và di chuyển tốc độ cao trên đường cao tốc.
Dù thực hiện đánh giá ở cung đường nào thì độ chính xác cũng không thể đạt 100%. Chưa kể đến việc kết quả kiểm tra phải được tổng hợp tại những khu vực khác nhau với những tiêu chuẩn khí thải và điều kiện khác nhau. Ngoài ra, mỗi tài xế sẽ có phong cách lái và sử dụng xe của riêng mình, vì vậy những bài kiểm tra luôn chỉ giống như một bộ công cụ tương đối mang tính tham khảo. Từ đó các nhà làm luật có thể dựa vào và kết hợp với điều kiện đặc thù ở từng khu vực để đưa ra những quy định cụ thể, phù hợp nhất với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Trung Nguyên/Autodaily