Giá trị của 120km/h!
120km/h là một trong những di sản của ‘người tiền nhiệm’ tại Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam. Tốc độ cao hơn – thời gian rút ngắn hơn, tất nhiên. Nhưng con số 120km/h còn giúp người ta nhận ra một vấn đề. Thế nào là một chiếc xe tốt!
Cách đây vài năm, đường cao tốc ở Việt Nam chưa nhiều, tốc độ tối đa chỉ thường ở mức 80km/h. Hoạ hoằn lắm, có thể đếm trên đầu ngón tay những con đường cho phép chạy 100km/h. Lãnh đạo cao nhất của một hãng xe Nhật tại Việt Nam lý giải nguyên nhân họ không trang bị hệ thống cân bằng thân xe điện tử (ESP) là do tốc độ di chuyển chậm, ESP không mấy khi được có dịp can thiệp. Ở tốc độ 80km/h, lái một chiếc Camry hơn 1 tỷ đồng hay một chiếc Matiz cũ rích hơn 100 triệu đồng không quá nhiều khác biệt, có chăng chỉ là sự an nhàn.
Nhưng ở tốc độ 120km/h thì lại là câu chuyện khác…
Đường cao tốc thực thụ bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2010, cung đường TP Hồ Chí Minh – Trung Lương với chiều dài 40km. Không nhiều người Việt quen với việc di chuyển liên tục, đều đặn ở 100km/h vào thời điểm đấy. Hệ quả là nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Phải chăng, đó là bước cải lùi? Người ta lại đi tìm nguyên nhân của vấn đề này. Do con đường? Người lái? Chiếc xe? Vì đâu?
Nhiều năm trước, thị trường Việt Nam chưa đa dạng về chủng loại và các dòng xe. Một chiếc xe bền bỉ, có tính thanh khoản cao hay phải thật nhiều tiện ích giải trí… được lòng người tiêu dùng Việt. Độ an toàn của khung xe, trang thiết bị an toàn chủ động, bị động… chưa được nhiều người tìm hiểu. Và các hãng xe tại Việt Nam biết điều này.
Đều đặn giữ chân ga ở 80km/h dường như không khó. Nhưng ở 120km/h giờ lại là câu chuyện hoàn toàn khác, lúc này điểm yếu nhất định của một vài dòng xe, vài chiếc xe sẽ bắt đầu bộc lộ. Dòng xe SUV gầm cao sẽ lái chòng chành hơn so với dòng sedan gầm thấp. Chiếc xe không tốt sẽ ồn ào và khiến người lái cảm thấy sợ hơn so với một chiếc xe tốt. Một chiếc xe có công nghệ ổn định thân xe điện tử ESP, kiểm soát độ bám đường TCS hay phanh đĩa bốn bánh, phân bổ lực phanh điện tử EBD… sẽ khác một chiếc xe không có những công nghệ an toàn.
Thực tế hiện nay, các nhà sản xuất và phân phối xe tại Việt Nam đã chú trọng hơn về trang bị an toàn. Thậm chí lấy an toàn làm thước đo so sánh với đối thủ cùng phân khúc, thay vì những trang bị giải trí. Túi khí được tăng lên. ESP, TCS dường như mặc định là có sẵn. Ở một góc độ nào đó, những điều này đến từ con số 120km/h, và người dùng là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên.
Đến những ảnh hưởng với nền kinh tế
Trong lịch sử, những đô thị đầu tiên trên thế giới hầu hết được hình thành tại ngã ba của một con sông nhờ tiện cho việc đi lại. Ngày nay, giao thông không chỉ dừng ở những con sông mà những con đường với mạng lưới cao tốc ngày càng nhiều đã giúp cho việc đi lại của người dân được rút ngắn đáng kể.
Ngoài ra, khôngg ngoa khi nói rằng con số 120km/h đã và đang thúc đẩy nền kinh tế phát triển từng ngày. Mặc dù chưa có những thống kê chính thức nào về tác động của giao thông đến nền kinh tế nhưng không thể phủ nhận nông sản của bà con nông dân sẽ tới tay người tiêu dùng nhanh hơn, hàng hóa lưu thông nhiều hơn, mật độ của những chuyến hàng cao hơn. Tất cả đều giúp cho nền kinh tế thị trường của Việt Nam ngày một phát triển.
Trước đây, nếu muốn đi du lịch Sapa, nhiều người phải xuất phát từ Hà Nội vào lúc 12h đêm để có mặt tại Lào Cai vào lúc 7h sáng hôm sau, nhưng giờ câu chuyện đã khác. Họ có thể thức dậy vào lúc 6h sáng, ăn sáng tại Hà Nội. Sau 4 tiếng đi ô tô trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai, họ có mặt tại Sapa để ăn trưa. Lào Cai nhờ đó cũng thu hút nhiều hơn khách du lịch và các nhà đầu tư, thị trấn Sapa thay da đổi thịt từng ngày.
Và điều này minh chứng cho một loạt tuyến cao tốc được xây dựng và đưa vào sử dụng: Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh – Long Thành… đã góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Và những thay đổi trong ý thức tham gia giao thông
Không hiếm gặp những chiếc Innova hay Fortuner nháy đèn bấm còi inh ỏi đòi vượt ở những con đường giới hạn 80 km/h. Nhưng ở tốc độ 120km/h, giá trị trở về đúng bản chất. Lái những chiếc xe bình dân, mấy ai dám vượt tốc độ 120km/h?
Tại Đức, Autobahn vẫn được biết đến là hệ thống cao tốc duy nhất trên thế giới cho phép chạy xe không giới hạn tốc độ. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi dù đang đi với tốc độ gần 200 km/h nhưng chốc chốc lại có một chiếc xe vượt qua. Tất cả nhanh như một cơn gió mà ta chẳng thể kịp nhìn xem đó là chiếc xe gì.
Nhưng đó là tại Đức, nhưng tại Việt Nam, không phải ai cũng có thể làm được. Tốc độ 120 km/h không dành cho những tay mơ, những người chưa có nhiều kinh nghiệm lái xe. Đi nhanh trên 100 km/h, con người bắt đầu biết sợ. Cảm giác sợ đến từ vô-lăng chòng chành hơn, cảm giác sợ đến từ sự ồn ào bởi gió, mặt đường… Và sợ bởi chiếc xe của mình có thực sự an toàn, khung gầm ra sao, bao nhiêu túi khí và bao nhiêu công nghệ an toàn?
Kết luận
Sự ra đời của con số 120km/h mang tới nhiều thay đổi. Cao tốc thật sự thúc đẩy giao thông, nền kinh tế và ngành công nghiệp ô tô. Dù là thu phí, thu giá hay thu gì đi chăng nữa thì vẫn có một bộ phận không nhỏ sẵn sàng trả tiền để được di chuyển nhanh hơn, điều kiện đường sá tốt hơn. Và đây là mặt tích cực của ‘di sản’ này.
Anh Vũ/Autovina