Chi phí đi lại mỗi ngày của tổng thống Mỹ là bao nhiêu?
Trong đoàn hộ tống của tổng thống Mỹ, có rất nhiều phương tiện đi lại từ xe mô-tô, xe ô-tô cho đến phi cơ. Ngoài ra còn có rất nhiều binh sĩ và những người dưới cấp tham gia di chuyển, vậy chi phí để bỏ ra cho một ngày di chuyển của tổng thống Mỹ là bao nhiêu?
Tháng 11/2010, Tổng thống Obama thăm Ấn Độ, báo chí rộ tin đồn chính phủ Mỹ tốn chi phí 200 triệu USD mỗi ngày. Nhiều nguồn tin từ Mỹ phủ nhận con số này.
Tháng 11/2010, Tổng thống Obama thăm Ấn Độ, báo chí rộ tin đồn chính phủ Mỹ tốn chi phí 200 triệu USD mỗi ngày. Nhiều nguồn tin từ Mỹ phủ nhận con số này.
Tổng thống Donald Trump đang có chuyến công du các quốc gia châu Á trong 12 ngày. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là số tiền chính phủ Mỹ phải chi trả cho mỗi ngày của tổng thống Trump là bao nhiêu.
Vì chi phí này không được cụ thể nên có khá nhiều người tò mò. Thông thường, một đoàn tuỳ tùng của tổng thống Mỹ gồm 3.000 người. Có 40 chiếc máy bay phục vụ việc di chuyển và 2 trực thăng hàng hải được tháo rời cánh, vận chuyển tới địa điểm tổng thống đặt chân làm phương án dự phòng.
Khoảng 500 phòng khách sạn cao cấp nhất thành phố được đặt để phục vụ tổng thống và đoàn đi cùng. Chi phí ước tính có thể lên tới 200 triệu USD mỗi ngày, chỉ để đảm bảo công dân số một nước Mỹ được an toàn.
Con số 200 triệu được tiết lộ vào ngày 2/11/2010 trên tờ Press Trust of India, trong một bài báo nói về chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama tới Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong chuyến đi này, đoàn tuỳ tùng gồm 3.000 người đã đặt toàn bộ 570 phòng Khách sạn Taj Mahal Palace ở Mumbai. Cũng theo báo cáo, tổng thống Mỹ được bảo vệ bởi hạm đội 34 tàu chiến trong thời gian ở Mumbai.
“Khoản tiền khổng lồ khoảng 200 triệu USD được dùng để đảm bảo an ninh và các chi phí khác của chuyến đi”, một quan chức cao cấp của chính phủ Ấn Độ cho biết.
“Ngoại trừ nhân viên an ninh bảo vệ tổng thống, các quan chức Mỹ không được phép mang theo vũ khí. Cảnh sát quốc gia sở tại sẽ đảm bảo an toàn cao nhất cho tổng thống Mỹ”, một viên chức chính phủ Ấn Độ yêu cầu giấu tên cho biết.
Thông tin từ bài báo này nhanh chóng được dẫn lại như một sự thật hiển nhiên mà chưa được kiểm chứng.Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tổng thống, cơ quan mật vụ sẽ đưa ra nhiều yêu cầu đặc biệt, và điều này khiến ngân sách Mỹ phải chi tiêu đáng kể. Thậm chí có trường hợp mật vụ yêu cầu thuê cả khách sạn để đảm bảo không có bất kỳ người lạ nào được phép thâm nhập vào nơi tổng thống ở.
Chi phí cho chuyến đi cũng thay đổi tuỳ quốc gia mà tổng thống Mỹ ghé thăm. Tại những quốc gia tiềm ẩn nguy cơ khủng bố hoặc chiến tranh, chi phí sẽ tăng gấp nhiều lần. Ngược lại, ở một số quốc gia thanh bình, đoàn tuỳ tùng sẽ được cắt giảm để bớt gánh nặng chi phí.
Tờ Wall Street Journal nhận xét rằng con số này “không rõ ràng” và Nhà Trắng không bao toàn bộ khách sạn. Cơ quan thông tấn báo chí đi cùng cũng không được bao trọn gói mà phải tự trả tiền cho chuyến đi.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, Tommy Vietor phủ nhận con số 200 triệu USD mỗi ngày cho chuyến đi của tổng thống Mỹ. “Những con số trong báo cáo này không có cơ sở thực tế. Do vấn đề an ninh, chúng tôi không được liệt kê các chi tiết liên quan đến chi phí an ninh và chuyến đi. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng con số này đã bị thổi phồng”, Vietor nói.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Geoff Morrell cũng bác bỏ báo cáo cho rằng 34 tàu chiến tuần tra gần bờ biển Mumbai để bảo vệ Obama trong thời điểm đó.
“Chúng tôi có vai trò hỗ trợ cho chuyến đi của tổng thống, nhưng việc triển khai 10% Hải quân, khoảng 34 tàu chiến và một tàu sân bay để bảo vệ tổng thống là điều thật hài hước”.
“Một nhóm tàu tấn công thường có tối đa từ 10 – 12 tàu, vì vậy con số 34 tàu chiến là không có cơ sở”, ông này nói.
Hãng tin CNN cho rằng những chuyến đi tương tự của các tổng thống Mỹ chưa bao giờ đạt tới con số 200 triệu USD/ngày.
Mặc dù chi phí thực tế để đảm bảo an ninh cho các tổng thống Mỹ khi công du nước ngoài không bao giờ được tiết lộ, phần lớn đều cho rằng đó là một số tiền lớn.
Theo giải trình của Văn phòng Chính phủ Liên bang, chuyến công du 11 ngày của Tổng thống Bill Clinton sang châu Phi vào năm 1998 với đoàn tuỳ tùng 1.300 người tiêu tốn 5,2 triệu USD/ngày (số liệu đã được điều chỉnh theo tỷ giá lạm phát).
Theo đạo luật tự do thông tin, chính phủ Mỹ công bố mỗi giờ vận hành Air Force One tốn 206.000 USD. Chi phí bao gồm tiền nhiên liệu, hao mòn và bảo trì.
Chuyên gia phân tích kinh doanh Vinay Bhaskara của hãng hàng không Airways cho biết chi phí bay thương mại của Boeing 747 thông thường chỉ từ 20.000 – 25.000 USD/giờ.
Chi phí đi lại của tổng thống còn tốn kém bởi cái tên “The Beast”. Đây là mẫu limousine bọc thép hạng nặng được chế tạo đặc biệt. Mức giá mỗi chiếc khoảng 1,5 triệu USD.
Đoàn xe của tổng thống có khoảng 26 chiếc xe hộ tống. Trước những chuyến đi, cả đoàn xe được máy bay vận tải Boeing C-17 Globemaster III chở tới vị trí.
Ngoài ra, tổng thống Mỹ còn cần tới hai chiếc trực thăng được gọi là Marine One để dùng trong trường hợp khẩn cấp hoặc không muốn dùng xe.