Taktsang nơi cầu bình an ở đất Phật Bhutan
-
Truyền thuyết Hang Hổ và thượng sư Liên Hoa Sinh
Theo như truyền thuyết địa phương, thượng sư Liên Hoa Sinh đã đến ngôi đền Paro Taktsang vào Thế kỷ thứ 8, bằng cách bay trên lưng một con hổ cái từ Khenpajong, Tây Tạng. Thượng sư là người đã truyền Phật giáo Mật tông khắp Bhutan và Tây Tạng vào những năm 700.
“Taktsang” có nghĩa đen là hang hổ, cái tên này bắt nguồn từ việc người dân bản địa khi đi ngang nơi đây đã thấy một con hổ cái sống trong hang động. Theo truyền thuyết, vào thời điểm đó, thượng sư Liên Hoa Sinh đã hóa thân thành ngọn lửa Dorje Drolo – một trong tám hình tượng của ông. Và con hổ cái chính là vợ của ông – Yeshe Tsogyal, người đã hóa thân thành động vật để làm khuất phục những con quỷ và linh hồn ở địa phương.
Thượng sư đã thiền định trong 13 tu viện nhỏ – hay những hang hổ, trong số đó có Taktsang Palphug là nổi tiếng nhất. Người dân bảo rằng ông đã thiền định trong các hang động ở trên núi trong 3 năm, 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày và 3 giờ. Sau khi kết thúc thiền định, thượng sư Liên Hoa Sinh đã hàng phục được 8 loại linh hồn ma quỷ, và cải đạo được người Bhutan sang Phật giáo. Ngày nay, thượng sư được xem như là một vị Phật thứ hai và là vị thần bảo hộ của Bhutan. Du khách cũng hay nhìn thấy hình ảnh thượng sư Liên Hoa Sinh tại các khu vực linh thiêng của Phật giáo tại đây.
-
Đường đến với tu viện Taktsang
Tu viện Taktsang là một ngôi chùa Phật giáo có cấu trúc phức tạp nằm cách thị trấn Paro khoảng 10 km (6 dặm) về hướng Bắc. Tu viện nằm bám vào vách đá cao đến 3,129 m so với mực nước biển.
Một trong những nét độc đáo nhất của tu viện chính là vị trí nằm biệt lập của nó. Khách du lịch Bhutan chỉ có thể đến đây bằng các con đường núi. Bạn phải leo lên từ đáy thung lũng là rừng thông kéo dài khoảng 2,133 m để đến với tu viện Taktsang cao 914 m so với thung lũng Paro ở trên. Có một con đường ở gần tu viện phải băng qua một thác nước cao trên 60 m, bằng những bậc đá (mà không có tay vịn) khắc vào mặt vách đá.
Bạn có thể tới đó bằng hai cách, leo bộ thẳng lên núi hay cưỡi ngựa tới một điểm rồi dừng để đi bộ tiếp. Dù là cách nào thì bạn cũng sẽ phải bỏ sức ra để đến được với không gian tâm linh này. Thế nên đừng quên chọn cho mình một cây gậy leo núi phù hợp ngay cửa lên để hành trình của bạn được thuận lợi hơn. Ngoài ra, trên đường tới tu viện Taktsang, du khách còn có cơ hội gặp nhiều nhà sư đi ban phát cho nước thánh, thức ăn và nước uống. Để giúp tiếp thêm sức lục cho những vị khách đến đây, giúp họ chinh phục đoạn đường đến với ngôi đền linh thiêng phía trước.
Nếu đi thong thả thì chuyến đi này cũng không mấy khó khăn. Hơn nữa, bạn còn được chậm rãi thưởng thức tiết trời trong trẻo, mát lành của vùng núi trên những bậc thang, hoặc ngắm nhìn những cảnh quan tự nhiên hoang sơ mà tươi đẹp đến khó tin. Sau khoảng hơn 2 tiếng leo núi là bạn sẽ đến cổng vào của tu viện Taktsang, nằm trên một tảng đá trồi ra bên vực thẳm cheo leo bên dưới.
-
Yếu tố kiến trúc phức tạp của tu viện Taktsang
Tu viện Taktsang bao gồm 4 đền chính và một số nhà ở cho dân. Ngoài ra thì còn có 8 hang động bao quanh, trong số đó 4 hang là du khách có thể dễ dàng ghé thăm. Bạn có thể vào hang động chính thông qua một lối đi nhỏ hẹp. Ở nơi đó có tượng khắc của mười hai vị Bồ Tát với đèn dầu được đặt phía trước bức tượng. Du khách cũng có thể thấy được tranh vẽ trên tường của tu viện cùng một bộ kinh linh thiêng được cất giữ trong một phòng nhỏ liền kề. Do tầm quan trọng của bộ kinh này mà nó được in với bụi vàng và bột xương nghiền nát của một Lạt Ma thiêng liêng.
Mỗi tòa nhà của tu viện đều có ban công là điểm quan sát thung lũng Paro bên dưới. Các tòa nhà này cũng được kết nối với nhau thông qua cầu thang đá, bậc thang cùng một số cây cầu gỗ. Ở tầng cao nhất của khu phức hợp là một ngôi đền có bức phù điêu của Đức Phật. Ngoài ra tu viện Taktsang còn có chứa đựng những lịch sử cổ xưa về các nhà sư đã đến đây, thường sẽ ở ít nhất trong ba năm, và hiếm khi rời khỏi.
-
Tu viện Taktsang – Linh hồn của Bhutan
Trải qua thời gian lịch sử lâu dài, tu viện đã nhiều lần bị hư hại, thay đổi cấu trúc, tôn đạo lại. Tuy thế nhưng vẫn có một điều không bao giờ thay đổi, tu viện Taktsang vẫn luôn là thánh địa thiêng liêng nằm trong tâm thức của người dân Bhutan từ hàng trăm năm nay. Và vẫn sẽ mãi ngự trị trong trái tim của họ.
Ngoài ra, nơi đây còn có một nét đặc trưng rất riêng của một tu viện Mật tông Tây Tạng. Khách du lịch Bhutan vừa đến Taktsang sẽ bị choáng ngợp với hình ảnh những dãy cờ phướn có màu sắc sặc sỡ, được in những lời kinh cầu nguyện, câu thần chú, giăng khắp nơi xung quanh tu viện cũng như là trên lối đi dẫn đến nơi đây. Thậm chí có những ngày toàn bộ tu viện và cả ngọn núi Taktsang ngập chìm trong biển mây, tạo nên một không gian u tịch và huyền ảo. Nếu du khách may mắn đến thăm tu viện trong dịp ấy sẽ được trải nghiệm cảm giác như lạc vào một cảnh giới khác, u huyền mà thâm hiểm nào đó vậy.
WikiTravel